Bệnh nhân tên là V. T. Y. sinh năm 1987, theo lời kể của bệnh nhân trước khi vào viện khoảng 3 tháng , bệnh nhân thấy có biểu hiện nuốt nghẹn, không sốt, không ho, không gầy sút cân. Tiền sử bệnh nhân chưa phát hiện bệnh lí gì về phổi, trung thất, hạch và các bệnh liên quan khác; tiền sử gia đình cũng chưa có ghi nhận gì đặc biệt.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện khó thở nhẹ khi vận động. Bệnh nhân đã khám tại nhiều bệnh viện và được chẩn đoán là u trung thất đè đẩy thực quản, khí quản. Sau đó bệnh nhân được chuyển Bệnh viện TWQĐ 108 để phẫu thuật.
Theo TS. Ngô Vi Hải, Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Sau khi nhập viện các bác sĩ khám lâm sàng thấy có các dấu hiệu sinh tồn: mạch: 86 chu kỳ/phút, nhiệt: 36 độ C, huyết áp: 105/70mmHg, SpO2: 98%. Thể trạng gầy, da niêm mạc bình thường, hạch cổ khó xác định trên lâm sàng. Lồng ngực đều, rì rào phế nang hai phổi giảm. Khám da liễu, phụ khoa và các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.
Hình ảnh chup CT của bệnh nhân.
Các xét nghiệm cho thấy công thức máu, sinh hóa máu bình thường. Thông khí phổi: FVC: 2,17l, FEV1: 1,55l. Nội soi ống tiêu hóa trên: hình ảnh từ ngoài đè vào thực quản. Soi phế quản: hẹp nhẹ lòng phế quản đoạn sát carina do đè ép từ ngoài. Mô bệnh học (qua sinh thiết EBUS-TPNA 2 lần): lành tính. CT scan ngực có tiêm thuốc đối quang: hình ảnh khối bệnh lý trung thất, bờ đều rõ, kích thước 29 x 53mm, đậm độ 22HU, ngấm thuốc kém. Tổn thương đề đẩy lệch thực quản ra sau và sang phải, đấy khí quản và phế quản gốc hai bên ra trước và gây hẹp phế quản gốc. Không thấy rõ ranh giới với thành thực quản và các bác sĩ kết luận bênh nhân bị kén phế quản.
Theo BS Hải, kén phế quản là một tổn thương bẩm sinh hình thành trong quá trình phát triển của bào thai. Nó có thể xuất hiện tại bất kỳ điểm nào dọc theo đường khí-phế quản và thường nằm trong trung thất hoặc nhu mô phổi. Kén phế quản chiếm 10% khối trong trung thất và thường ở nam.
Triệu chứng lâm sàng thường đa dạng và phụ thuộc vào vị trí, kích thước của tổn thương và tuổi của bệnh nhân. Phẫu thuật là lựa chọn hàng đầu và tối ưu đối với tổn thương này. BS Hải cho biết.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt kén phế quản bằng đường mở ngực sau bên trái dài 8cm, dưới gây mê nội khí quản Carlen xẹp phổi bên trái. Phẫu tích kén phế quản ra khỏi phế quản gốc trái động mạch chủ, động mạch phổi trái và thực quản. Kén được cắt bỏ hoàn toàn.
Bệnh nhân về phòng bệnh hậu phẫu, dẫn lưu được rút sau 48 giờ. Giải phẫu bệnh lý cho thấy tổ chức kén lành tính. Sau 7 ngày bệnh nhân được xuất viện.