U lành, nhưng cực kỳ nguy hiểm và hiếm gặp
Bệnh viện ĐH Y HN tiếp nhận bệnh nhân N.B.N. (20 tuổi) trong tình trạng thường xuyên bị tê và đau nửa mặt bên phải, cơn đau thường khởi phát đột ngột, nóng bỏng, dạng giống điện giật. Ban đầu tình trạng này chỉ xảy ra 1 lần/tuần nhưng tần suất ngày càng tăng lên kèm theo cơn đau kéo dài và dữ dội hơn.
Kết quả khám và chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện ĐH Y HN xác định bệnh nhân có khối u dây thần kinh số V hiếm gặp. Dây thần kinh V là một dây thần kinh hỗn hợp thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Về vận động, nó chi phối động tác nhai. Về cảm giác, do dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 - V2 - V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba) nên dây V chi phối cảm giác của nửa mặt cùng bên. Khối u này ngoài việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của dây V như đau nửa mặt còn gây chèn ép các dây thần kinh III, IV, VI, gây ảnh hưởng đến chức năng của các dây vận động nhãn cầu.
ThS.BS Hoàng Minh Tân - Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống - Bệnh viện ĐH Y HN đánh giá, mặc dù là u lành, nhưng đây là một ca tương đối khó. Khối u của bệnh nhân khá lớn, lại nằm ở vị trí nền sọ giữa rất khó tiếp cận. Xung quanh khối u là các dây thần kinh và mạch máu lớn. Trong quá trình phẫu thuật, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương đến não, hoàn toàn không thể cứu sống bệnh nhân. Đây là vị trí nguy hiểm dễ gây biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân nếu kinh nghiệm chuyên môn của phẫu thuật viên không vững.
Mặt khác, sử dụng phương pháp xạ trị với khối u này rất ít tác dụng, lại làm tổn thương các cấu trúc lành xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thần kinh và chất lượng sống của bệnh nhân sau này.
Khối u nằm rất sâu và phức tạp.
Nếu không điều trị kịp thời, khối u ngày càng to đè vùng chức năng mô não, làm tăng áp lực nội sọ, khiến tình trạng đau và tê nửa mặt ngày càng nhiều. Nguy cơ tiếp theo là biến chứng mờ mắt, rối loạn cảm giác,... nặng hơn có thể khiến bệnh nhân hôn mê, thậm chí tử vong.
Cuộc phẫu thuật cam go, cẩn trọng tuyệt đối
Phẫu thuật u não vốn là một trong những phẫu thuật khó, nhiều nguy cơ xảy ra bởi chỉ cần sơ xảy một sơ suất nhỏ có thể chạm vào các dây thần kinh gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Để phẫu thuật được khối u này cần nhiều trang thiết bị như kính vi phẫu, hệ thống định vị thần kinh và dụng cụ vi phẫu,... Hệ thống định vị giúp bác sĩ xác định vị trí khối u so với vị trí của hộp sọ, định vị chính xác đường rạch da, đường mở xương sọ, xác định rõ ràng ranh giới giữa khối u với tổ chức não lành tính. Từ đó có thể lấy bỏ khối u theo cách ít xâm lấn nhất, bằng đường gần nhất. Thiết bị định vị giúp hạn chế tối đa tổn thương não trong khi mổ, nhất là với những khối u nằm ở vị trí rất khó tiếp cận như bệnh nhân này. Kính vi phẫu giúp nhìn rõ hơn vị trí khối u, các điểm tiếp giáp xung quanh tránh nguy cơ chạm phải gây chảy máu không cầm được. Bệnh nhân cũng được theo dõi, kiểm soát bằng các thiết bị, máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn trong suốt hơn 4 tiếng diễn ra phẫu thuật.
Cuối cùng, với sự nỗ lực hết sức của toàn kíp mổ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, toàn bộ khối u đã được lấy ra gọn gàng, bảo tồn nguyên vẹn chức năng các dây thần kinh, vùng não quan trọng.
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, mẹ của bệnh nhân N. cho biết, hiện nay tình trạng của bệnh nhân phục hồi rất tốt, bệnh nhân đã được ra viện. Nhân đây, bà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ BV ĐH Y HN đã hết lòng chăm sóc và điều trị cho con mình.