Các bác sĩ Khoa Ngoại tim mạch Bệnh viện đa khoa (BVĐK) quốc tế Vinmec vừa phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhân (BN) bị lóc tách động mạch chủ (ĐMC) type A nguy hiểm. BN đã được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu trong đêm và truyền 2 đơn vị tiểu cầu máy. Đây là BN lóc tách ĐMC type A đầu tiên tại BV Vinmec và cũng là một trong số ít các BN lóc tách ĐMC type A được kịp thời cứu sống từ trước đến nay.
Đột ngột đau như xé ngực
Nhìn vóc người to khỏe cùng dáng đi mạnh mẽ, giọng nói hào sảng của ông Hoàng Ngọc T. (50 tuổi, Hà Nội), ít ai hình dung được cách đây chưa đầy 1 tháng, người đàn ông này đã trải qua một cuộc đại phẫu đầy cam go để giành lại mạng sống. Ông T. nhớ lại hơn 3 tuần trước, vào đúng ngày cưới con gái, ông dậy từ sớm, bỗng ông nghe như có tiếng nổ “bụp” trong ngực! Ngay sau đó, ông thấy đau ngực, hoa mắt, loạng choạng. Một ý nghĩ chợt đến: “Hay cái stent đặt trong ngực bị bung ra rồi” (ông T. đặt stent mạch vành cách đây 1 năm vì hội chứng mạch vành cấp). Ông cố ngồi xuống ghế nhưng ngực đau như xé, mồ hôi chảy đầm đìa như có ai dội nước vào người. Xung quanh không có ai vì mới sáng tinh mơ, ông cố lần lên cầu thang, vào phòng gọi vợ. Ông T. được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV đa khoa quốc tế Vinmec. Tại đây, ông được các bác sĩ khám, chụp mạch vành, chụp cắt lớp vi tính - phát hiện lóc tách ĐMC type A, cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt mới có cơ hội sống sót.
Ca phẫu thuật lóc tách động mạch chủ type A cho BN Hoàng Ngọc T. |
ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà - quyền Trưởng khoa Ngoại tim mạch, BV Vinmec, người trực tiếp phẫu thuật cho BN T. cho biết: Tách thành ĐMC hay còn gọi là lóc tách ĐMC là một thảm cảnh thực sự. Khoảng 50% bệnh nhân lóc tách type A tử vong trong 48 giờ đầu, số còn lại cũng hầu như không có cơ hội sống sót nếu không được phẫu thuật. Những yếu tố thuận lợi để bệnh xuất hiện là tăng huyết áp, bệnh lý ĐMC, tuổi cao...
Kết cấu của ĐMC có 3 lớp (ngoại mạc, trung mạc và nội mạc). Vì một lý do nào đó (tăng huyết áp, bệnh lớp áo giữa, các bệnh về tổ chức liên kết...) mà phần nội mạc bị lóc tách ra, máu trong động mạch tràn vào phần bị lóc tách ngày một nhiều làm phần bị lóc tách căng phình và có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào. BN đột ngột đau ngực dữ dội; mất cân xứng giữa mạch, huyết áp giữa chi trên và chi dưới, bên phải và bên trái. Lóc tách ĐMC nếu liên quan đến vị trí của ĐMC lên thì được gọi là type A, nếu không liên quan gọi là type B. Khi bị type A gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu như không được phẫu thuật kịp thời (còn type B trong phần lớn trường hợp điều trị nội khoa không cần phẫu thuật). Nguyên nhân tử vong là vỡ ĐMC vào màng tim, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, hở van ĐMC gây suy tim cấp hoặc tắc các mạch máu não gây đột quỵ. Do đó, việc phẫu thuật sớm trong trường hợp lóc tách ĐMC type A vô cùng quan trọng. Nếu tăng thêm 1 giờ chờ đợi, BN sẽ tăng thêm 1% nguy cơ tử vong.
Thách thức trước một ca mổ khó có khả năng cầm máu
ThS. Nguyễn Hoàng Hà cũng cho biết, để tổ chức một ca mổ cấp cứu cho BN bị lóc tách ĐMC type A không hề đơn giản vì ĐMC là động mạch đưa máu nuôi toàn bộ cơ thể, vì vậy, khi tiến hành phẫu thuật phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo nhưng có những lúc phải ngưng sử dụng máy (ngưng toàn bộ hệ thống tuần hoàn cơ thể) bằng cách hạ nhiệt độ xuống mức thấp nhất để bảo tồn các cơ quan trong cơ thể khi tiến hành thay đoạn ĐMC bị lóc tách. Điều này dễ gây rối loạn chuyển hóa cơ thể, đáng sợ nhất là gây rối loạn về đông máu (BN chảy máu không cầm được), nhất là với BN T. đang được sử dụng liều thuốc chống ngưng tập tiểu cầu liều tấn công (do đặt stent mạch vành cách đây 1 năm) thì khi hạ nhiệt độ cơ thể xuống thấp sẽ có nguy cơ chảy máu dữ dội không cầm nổi. Nhưng nếu không mổ sớm, BN cũng sẽ tử vong. Và các bác sĩ đã lựa chọn: còn cơ hội (dù nguy cơ rủi ro rất cao), còn cứu BN bằng mọi giá.
BN Hoàng Ngọc T. (giữa) trò chuyện vui vẻ cùng BS. Nguyễn Hoàng Hà (trái) sau 3 tuần được phẫu thuật. Ảnh: Tuấn Anh |
Kíp phẫu thuật do ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà làm trưởng kíp đã tiến hành mở một đường mổ lớn dọc xương ức, tiến hành chạy máy tim phổi nhân tạo, hạ nhiệt độ cơ thể xuống từ 25 - 18 độ để bảo vệ não, tủy, thận và các cơ quan khác trong cơ thể. Sau đó, ngừng tuần hoàn toàn bộ và tưới máu não chọn lọc. Tiến hành thay ĐMC lên, loại bỏ vùng lóc tách ở ĐMC lên. Cho chạy máy tim phổi nhân tạo trở lại, nâng nhiệt độ cơ thể lên, cầm máu chuẩn bị hoàn tất cuộc mổ. Đúng như điều BS. Hà lo ngại, lúc này, BN chảy máu dữ dội, không thể cầm được bằng các biện pháp cầm máu thông thường. BS. Hà phải dùng 12 miếng gạc chèn chặt vào xung quanh đoạn ĐMC vừa thay, khép tạm lồng ngực lại, chuyển BN về hồi sức. Áp lực của gạc được chèn cứng cộng với tác dụng của thuốc cầm máu nên sau 36 tiếng đồng hồ, BN đã không còn chảy máu. Lúc này, các bác sĩ mới rút hết gạc ra và chính thức đóng lại lồng ngực. 10 ngày sau phẫu thuật, BN đã được ra viện.
Đây là trường hợp lóc tách ĐMC type A đầu tiên (với những nguy cơ rủi ro trong mổ rất cao) được phẫu thuật thành công tại BV Vinmec, cũng là một trong số ít các BN lóc tách ĐMC type A được kịp thời cứu sống từ trước đến nay, mở thêm một địa chỉ tin cậy cho các BN mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
Mai Linh