Bệnh nhân Hoàng em trước giờ vào phòng mổ Bệnh nhân Thiên Ân được khám trước khi vào phòng mổ |
Với bệnh lý u máu vùng cổ mặt, ca mổ ngày 31/7 cho bệnh nhân Lê Hoàng Em được đánh giá là rất khó khăn và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với quyết tâm giúp bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường và có cơ hội thực hiện ước mơ được lấy vợ, nuôi dưỡng mẹ già, các BS đã quyết định phải phẫu thuật cho được. Bệnh nhân được chuyển xuống phòng mổ lúc 6h30 phút. Các bác sĩ tiến hành gây mê và các thủ tục khác. Vì bệnh nhân bị khối u chiếm phần lớn khoang miệng nên không thể gây mê bằng đường nội khí quản thông qua đường miệng nên các bác sĩ gây mê bằng đường mở khí quản. 8h15 phút bác sĩ McKinnon cắt nhát dao đầu tiên. Bác sĩ McKinnon và các bác sĩ bệnh viện FV đã bóc tách khối u chiếm hết toàn bộ mặt bên trái. Điều khó nhất trong ca phẫu thuật này là đây là khối u máu, tức là khối u bắt nguồn từ mạch máu và khi phẫu thuật thì phải cắt ngang rất nhiều mạch máu. Ngoài ra, vì bệnh nhân đã mổ trước đây nên mạch máu đã tăng sinh vô mơ xơ (mô sẹo sau phẫu thuật) nên rất khó cầm máu, vì thế các bác sĩ phải vừa cắt, cầm máu, lấy khối u và khâu ngay lập tức ở bất cứ nhát cắt nào. Đặc biệt khi việc loại bỏ khối u phải đi qua những mạch máu quan trọng cần có những kỹ thuật cao mới thực hiện được và bác sĩ McKinnon đã thành công cho đến thời điểm này. Đồng thời ông và đội ngũ bác sĩ cũng có gắng bảo tồn các dây thần kinh mặt để bệnh nhân tối thiểu có thể nhắm mắt ngủ vì phần lớn các chức năng hoạt động của mặt bên phải bệnh nhân đã bị khối u phá vỡ hoàn toàn. Sau khi loại bỏ khối u, bệnh nhân được tái tạo gương mặt bằng da đùi tự thân.
Cuối cùng, ca mổ bệnh nhân của bệnh nhân Lê Hoàng Em đã thành công tốt đẹp sau 10 tiếng đồng hồ. Bác sĩ McKinnon và đội ngũ bác sĩ bệnh viện FV đã cắt bỏ khoảng 95% khối u của bệnh nhân, phần còn lại nằm sâu trong khoang miệng và là vị trí rất nguy hiểm nên các bác sĩ đành để lại, tránh rủi ro. Tỉ lệ hồi phục bệnh nhân cao và khả năng tái phát thì đến lúc này chưa nói được. Bệnh nhân mất 4,5 lít máu và được truyền 1,5 lít máu tự thân, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh.
Trước đó, trong ngày 30/7, bệnh nhân Thiên Ân cũng đã trải qua một ca phẫu thuật dài để “tìm lại” gương mặt thật. Ngay từ khi mới 7 tháng tuổi, Ân đã bị một khối u nhỏ bên vùng mặt phải, khối u phát triển nhanh và lớn dần và kéo lệch mũi, mắt, môi và phá hỏng toàn bộ vùng mặt phải của em. Trong quá trình phẫu thuật,
bác sĩ McKinnon và đội ngũ bác sĩ bệnh viện FV rạch đường mổ dọc sống mũi để tìm và cắt lọc các tổ chức bướu quanh vùng sụn mũi. Sau đó rạch một đường mổ khác vùng chân tóc (phía trên trán) để bóc tách khối u ra khỏi vùng hốc mắt và trần hốc mắt, tiếp theo tái tạo trần hốc mắt bằng titanium. Trong quá trình cắt bỏ khối u vùng hốc mắt, các bác sĩ cố gắng bảo tồn nhãn cầu, tái tạo mắt, mí mắt cho bệnh nhân thật cân xứng với con mắt bên trái. Các khối u vùng mũi sau khi được bóc tách, các bác sĩ đã lập tức tái tạo mũi bằng xương sọ của bệnh nhân. Bước tiếp theo các bác sĩ sẽ lấy phần khối u từ hố dưới thái dương cho tới khẩu cái cứng (nói nôm na là phần vòm miệng trên). Tái tạo vùng khuyết sọ thái dương bằng titanium. Đáng lưu ý, ngoài việc bóc tách toàn bộ khối u, các bác sĩ cố gắng không làm tổn thương đến các dây thần kinh vốn tập trung nhiều ở vùng mặt để bảo tồn chức năng hoạt động của các cơ quan trên gương mặt của bệnh nhân đồng thời chừa phần da hợp lý đủ để thực hiện tạo hình sau khi bóc tách toàn bộ khối u.
GS Mc Kinnon đang cùng ê kíp phẫu thuật bóc tách khối u cho bệnh nhân |
Với sự kiên nhẫn và khéo léo tuyệt vời của bác sĩ McKinnon và ê kíp phẫu thuật, ca mổ cho bệnh nhân Thiên Ân cũng đã kết thúc tốt đẹp sau 9 giờ đồng hồ phẫu thuật. Đúng 20 giờ 10 phút, bệnh nhân Thiên Ân đã được đưa ra phòng ICU (Hồi sức cấp cứu) và tiếp tục cho thở máy đến ngày hôm sau. Trong ca phẫu thuật bệnh nhân đã mất khoảng 3 lít máu nhưng đã được truyền máu tự thân thông qua máy truyền máu hoàn hồi và hỗ trợ thêm lượng máu bên ngoài nên tình trạng sức khỏe ổn định, khả năng hồi phục cao. Bệnh nhân Thiên Ân đã được cắt bỏ toàn bộ khối u và tái tạo gương mặt (mũi, mắt, miệng).
Bệnh nhân Hoàng Em được đưa ra khỏi phòng mổ |
Chia sẻ sau ca mổ, bố mẹ và người nhà của các bệnh nhân cho biết họ như vừa trải qua một giấc mơ. “Nhà nghèo, chúng tôi không bao giờ nghĩ có thể đưa con đi chữa bệnh được. Tôi rất biết ơn bác sĩ McKinnon và BV FV đã mổ từ thiện, miễn phí cho con tôi và giúp cháu tìm lại được gương mặt thật của mình”, cô Hoàng Thị Kim Hoa, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Thiên Ân xúc động nói.
Bài và ảnh: Tuân Nguyễn
Giáo sư bác sĩ McKay McKinnon công tác tại Bệnh viện Saint Josepth ở Chicago, bang Illinois và Bệnh Viện Children’s Memorial trực thuộc Đại Học Y Khoa Chicago, Mỹ. Ông đã đi khắp nơi trên thế giới kết hợp cùng các tổ chức nhân đạo để chữa trị miễn phí cho các ca bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp, đặc biệt là những bệnh nhân bị khối u khổng lồ trên cơ thể. Những cuộc phẫu thuật của ông không những đóng góp to lớn cho phát triển y học thế giới mà còn đem đến sự đổi đời cho người bệnh, mang lại niềm hy vọng mới cho gia đình bệnh nhân. Ngày 5 tháng 01 năm 2012, Giáo sư - bác sĩ người Mỹ McKinnon đã thực hiện ca phẫu thuật ngoạn mục cắt bỏ khối bướu khổng lồ nặng 90kg cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải, 32 tuổi, ngụ tại Đà Lạt. Ca phẫu thuật kéo dài gần 13 giờ kết thúc trong tốt đẹp và được cộng đồng Y khoa trong nước, quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, những ca thành công điển hình của ông còn có thể kể đến như thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 18 giờ để loại bỏ khối u nặng 90 kg cho một phụ nữ tại bang Michigan vào năm 2000; phẫu thuật tách bỏ một khối u nặng 36 kg của một người phụ nữ 47 tuổi mắc chứng biến đổi gen khiến những khối u phát triển trên cơ thể và thực hiện nhiều chuyến phẫu thuật từ thiện ở Choluteca, Honduras. Trong năm 2012, sau khi thực hiện phẫu thuật cho Duy Hải tại Việt Nam, bác sĩ McKinnon còn thực hiện hai ca phẫu thuật loại bỏ khối bướu lớn ở mặt cho hai bệnh nhân ở Thái Lan và bang Ohio, Mỹ. |