trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống Cuối tuần, PGS.TS.BS. Lê Hành - Chủ tịch hội - cho biết, đây là hội nghị cập nhật các thông tin, khuyến cáo về các biến chứng trong thẩm mỹ nhằm hướng đến một ngành thẩm mỹ an toàn tại TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Trong hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ đề cập, thảo luận về tất cả yếu tố quan trọng để đạt được thành công và sự an toàn của ngành phẫu thuật và nội khoa thẩm mỹ. Đặc biệt là các thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu, bao gồm tiêm chất làm đầy, Botilinum toxin và các điều trị bằng thiết bị laser và công nghệ năng lượng khác, từng được cho là cực kỳ an toàn và không có nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Thưa ông, trong thời gian qua, rất nhiều thông tin về tai biến liên quan đến thẩm mỹ, đưa đến nhiều lo ngại trong cộng đồng. Là một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ và phẫu thuật thẩm mỹ, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, chúng tôi đang ở trong tình trạng rất đặc biệt. Chưa bao giờ ngành ngành phẫu thuật thẩm mỹ phát triển như hiện nay. Phân loại hành nghề cũng tăng. Người bác sĩ có giấy phép hành nghề tăng, bác sĩ không có giấy phép hành nghề cũng tăng, bác sĩ ngành khác hành nghề thẩm mỹ cũng tăng. Người không phải bác sĩ cũng tăng một cách chóng mặt. Ngôi sao sắc đẹp, nữ hoàng sắc đẹp, diễn viên… cũng trở thành “chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ”. Mọi người tin rằng với những sắc đẹp như vậy cũng có thể biến người khác trở nên xinh đẹp hơn.
Đủ loại cơ sở hoạt động, hành nghề thẩm mỹ. Bệnh viện thẩm mỹ, khoa thẩm mỹ, các phòng khám thẩm mỹ được sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, chúng ta có. Nhưng cũng có những nơi, sàn nhà cũng được, mổ trong phòng ngủ cũng xong, thầy thuốc không mặc áo blouse. Ngoài ra, trên mạng xã hội, người người là “phát ngôn viên” truyền thanh, truyền hình những thông tin thẩm mỹ, truyền bá rộng rãi những sản phẩm làm đẹp. Bệnh nhân tự selfie, streamlive cuộc mổ, ngồi trên một đống filler được quảng cáo là hàng chính hãng được nhập về chứ không phải xách tay…
Dư luận bị rối loạn, thậm chí “điên loạn” lên vì một mê cung thẩm mỹ. Mà hệ lụy là chúng ta có rất nhiều biến chứng. Mỗi ngày, chúng tôi “chờ đợi” để gặp những biến chứng đến bệnh viện hoặc khoa thẩm mỹ. Những biến chứng đó có khi rất nặng nề, những thương tật vĩnh viễn không thể phục hồi hoặc dẫn đến chết người.
Có vẻ “mảng đen” bao trùm phần lớn ngành phẫu thuật thẩm mỹ? Chẳng lẽ chúng ta không có một giải pháp nào?
Điều khả quan, sự phát triển số lượng hội viên hội phẫu thuật thẩm mỹ một cách chính thống, được đào tạo bài bản cũng đang gia tăng. Số lượng bác sĩ có giấy phép hành nghề thẩm mỹ tăng, số lượng học viên trong các trường y cũng tăng. Trong trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) hiện nay, lớp định hướng của năm nay là 87 người, hoặc tại ĐH Y Dược TP.HCM là khoảng 40 người. Trong khi những năm đầu, con số này chỉ chừng mười mấy, 20 người. Bộ Y tế, Sở Y tế kiểm tra ngày càng khắt khe nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc “nắm người có tóc” còn người không có tóc lại chiếm một bộ phận không nhỏ.
Giải pháp là gì? Chúng tôi rất lo âu. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng khá vui mừng đối với ngành thẩm mỹ ở TP.HCM nói riêng, và Việt Nam nói chung. Vì ở đâu có hàng xịn mới có hàng giả. So ra, thẩm mỹ đang có một “thị trường hàng giả”. Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính thống phải luôn củng cố tay nghề, luôn được đào tạo chuyên môn, chống hàng giả bằng cách “học thật” và không xây dựng trên nền tảng quảng cáo.
Theo thông tin vừa nhận được, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM trong năm 2017 đã kiểm tra, tranh tra 146 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và phạt 93 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 464.850.000 đồng.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 152 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Qua thanh tra phát hiện: các phòng khám có dấu hiệu người nước ngoài tham gia thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đã được
thông báo, cơ sở đối phó nên khó phát hiện sai phạm (bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, thực hiện các kỹ thuật vượt quá phạm vi chuyên môn...).
Người tham gia khám chữa bệnh chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề chưa phù hợp với chuyên môn được cấp.
Phần lớn các phòng khám chưa tiến hành xin danh mục kỹ thuật chi tiết theo thông tư 43 và 21. Quy trình khám thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ chưa có, các biểu mẫu thực hiện trong hồ sơ bệnh án chưa thống nhất nên khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra. Hồ sơ bệnh án hoặc có lập nhưng không đúng quy định thiếu các thông tin, ghi chép sơ sài (thiếu: sinh hiệu, các thông tin xét nghiệm, tường trình phẫu thuật, cam kết của bệnh nhân).
Một số phòng khám không theo dõi hạn dùng hộp thuốc cấp cứu.
Các cơ sở y tế tự thay đổi điều kiện cơ sở vật chất, diện tích, bố trí lại, tăng thêm phòng tiểu phẫu, phòng cắt chỉ, phòng lưu… sau khi được Sở Y tế thẩm định cấp phép. Một cơ sở có bác sĩ tham gia thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chưa đăng ký hay tiến hành bổ sung nhân sự với cơ quan Sở Y tế. Các cơ sở thực hiện mở sổ theo dõi bệnh nhân nhưng còn mang tính chất đối phó: ghi chép thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ.
Việc quảng cáo của các phòng khám trên các trang website chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, người dân dễ dàng tìm thấy các thông tin quảng cáo về các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Còn một số phòng khám không niêm yết giá dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Một số phòng khám phẫu thuật thẫm mỹ phối hợp chung với cơ sở chăm sóc da, Spa (có hồ sơ pháp lý riêng) hoạt động cùng một địa chỉ có trang bị đầu tư các máy laser trong chăm sóc da khi chưa có bác sĩ chuyên khoa da liễu nên gặp khó khăn trong công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn những hoạt động trá hình và gây ngộ nhận.
Một số phòng khám hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động.
Bảng hiệu tại các phòng khám sai quy định: Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động là “phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ” thuộc công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các phòng khám này lại có biển hiệu:
“viện thẩm mỹ”; “thẩm mỹ viện”; “trung tâm thẩm mỹ”…
Hầu hết tại các phòng khám có thực hiện tư vấn các dịch vụ ngoài danh mục kỹ thuật, Tuy nhiên, các bác sĩ đều có thực hiện hợp đồng với các bệnh viện để thực hiện các dịch vụ này.
Đoàn thanh tra cũng cho biết: một số cơ sở khám chữa bệnh trang bị hệ thống camera phát hiện từ xa, nhân viên phòng khám không hợp tác, che giấu các hồ sơ, sổ sách liên quan đến khám chữa bệnh… có tính chất đối phó
với đoàn kiểm tra. Do đó, việc phát hiện các sai phạm đối với các cơ sở hoạt động khám chữa bệnh của một số đoàn kiểm tra còn gặp khó khăn.