Phẫu thuật thẩm mỹ 'chui' dưới vỏ bọc spa, chăm sóc da

28-12-2021 15:54 | Pháp luật
google news

SKĐS - Không có giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, nhưng Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội (114 Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn tiếp nhận tư vấn, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Cùng đó, rác thải y tế nguy hại không được xử lí theo đúng quy trình.

Đột kích cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ "chui"

Liên quan đến vụ việc này, Công an TP Đà Nẵng cho biết đang mở rộng điều tra, xác minh các thông tin liên quan để hoàn tất hồ sơ xử lý đối với cơ sở thẩm mỹ "chui" này.

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp Công an phường Thạc Gián, quận Thanh Khê đã tiến hành kiểm tra cơ sở Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội do ông Nguyễn Duy Phú (SN 1984, trú tại Nam Sách, Hải Dương) làm chủ. Qua kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện tại tầng 2 của cơ sở này đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho 4 người. Trong đó có một người vừa thực hiện xong ca nâng mũi, một người đang cắt mí, hai người vừa gây tê chuẩn bị mổ.

Lực lượng chức năng ghi nhận một khách hàng đã được tiến hành phẫu thuật nâng mũi hoàn tất với giá 54 triệu đồng, một khách hàng đang được cắt mí với giá 12 triệu đồng. Hai người khác đang được gây tê chờ cắt mí có giá lần lượt là 8 triệu và 12 triệu đồng.

Cơ quan công an lập biên bản vụ việc đối với cơ sở thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Cơ quan công an lập biên bản vụ việc đối với cơ sở thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Tiến hành kiểm tra về công tác chấp hành bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng phát hiện 2 bao ni-lông chứa 6,2kg chất thải y tế nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động như bông băng gạc dính máu, bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Về vấn đề này, quản lý cơ sở khai nhận trong quá trình hoạt động có phát sinh chất thải y tế nguy hại nhưng cơ sở không hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý. Hàng ngày, sau khi mổ xong sẽ thu gom toàn bộ rác thải y tế để chung với rác thải sinh hoạt rồi mang ra ngoài để đổ.

Ngoài ra, tại khu vực kho thuốc, ngoài số thuốc trên kệ, trong tủ, còn một số hộp được bọc trong túi bóng để giữa sàn nhà, cạnh nhiều vật dụng cá nhân. Đáng chú ý, một số thuốc đã hết hạn sử dụng.

Rác thải y tế nguy hại, băng gạc dính máu được cơ sở thẩm mỹ này bỏ vào túi để đổ chung với rác thải sinh hoạt.

Rác thải y tế nguy hại, băng gạc dính máu được cơ sở thẩm mỹ này bỏ vào túi để đổ chung với rác thải sinh hoạt.

Theo lời trình bày của quản lý, cơ sở hoạt động từ năm 2018 đến nay theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề spa, chăm sóc da. Dù không có Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nhưng vẫn tiếp nhận tư vấn khám chữa bệnh và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Qua kết quả kiểm tra ban đầu, cơ quan công an xác định, cơ sở Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ khi không có giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Sử dụng nhân viên không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Không có hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Không có khu vực lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại theo quy định.

Trước những vi phạm trên, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là thuốc, dụng cụ, thiết bị y tế, sổ sách, laptop, đầu ghi camera... để tiếp tục đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ rất cao. Việc sử dụng dịch vụ của các thẩm mỹ viện ngày càng nhiều. Với mức lợi nhuận khổng lồ, không ít các cơ sở thẩm mỹ viện trái phép đã mọc lên nhằm thu lợi từ người dùng; gây ra không ít hậu quả đáng tiếc.

Về góc độ pháp lý, theo khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định 117.

Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người; hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ; thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 – Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên sử dụng dịch vụ thẩm mỹ khi cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật; bác sĩ được đào tạo về chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; thuốc và các phương tiện máy móc được cấp phép lưu hành, còn hạn sử dụng.


PV
Ý kiến của bạn