Ngày 20/6, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, các bác sĩ Đơn vị Tạo hình Niệu đạo của bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho một nam bệnh nhân 65 tuổi.
Đó là trường hợp nam bệnh nhân N.V.N. (Long An). Năm 2022, người bệnh đã từng phải trải qua nội soi ngược chiều để tán sỏi kẹt niệu đạo. Trước đó, bệnh nhân có các triệu chứng như tiểu lắt nhắt kèm đau rát niệu đạo và được thực hiện thủ thuật nội soi tại một bệnh viện tại địa phương. Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn tiểu khó kéo dài, tiến triển ngày càng nặng, đến mức hoàn toàn bí tiểu. Do đó, người bệnh đã được phẫu thuật mở bàng quang ra da để dẫn lưu nước tiểu. Thêm vào đó, người bệnh còn có các bệnh nền bao gồm gút (gout) và tăng huyết áp.
Sáng 20/6, các bác sĩ Đơn vị Tạo hình Niệu đạo Bệnh viện Bình Dân cùng phái đoàn Giáo sư Joel Gelman (Đại học UC Irvine, California, Hoa Kỳ) đã thực hiện phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho người bệnh.
Ca phẫu thuật tạo hình theo phương pháp cắt nối niệu đạo tận-tận cho người bệnh, được truyền hình trực tiếp từ phòng phẫu thuật để các bác sĩ và nhân viên y tế tham dự có thể học tập kinh nghiệm xử trí các tình huống trong phẫu thuật.
Được biết, từ năm 2015, Giáo sư Niệu khoa Joel Gelman chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tạo hình cho người bệnh hẹp niệu đạo và hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Bình Dân.
Giáo sư Joel Gelman cho biết, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại bệnh viện này là 98%, tương đương với kết quả của các trung tâm tạo hình niệu đạo hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Từ đó, Bệnh viện Bình Dân không chỉ chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện trong nước mà còn chuyển giao cho bệnh viện ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia.
TS.BSCK II Đỗ Lệnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Niệu C, Trưởng Đơn vị Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân - cho biết, số lượng ca bệnh hẹp niệu đạo đến điều trị tại Bệnh viện Bình Dân ngày càng tăng. Hiện mỗi năm tại đây tiếp nhận hơn 800 ca phẫu thuật vì hẹp niệu đạo và khám, điều trị khoảng 10.000 ca khác.
"Quan trọng nhất là bệnh nhân được điều trị ngay từ lần đầu, đúng đắn với chúng tôi. Còn đối với những trường hợp điều trị thất bại trước đó thì càng thất bại nhiều lần thì tỉ lệ thành công càng thấp hơn nhiều. Đó không phải vấn đề kỹ thuật nữa mà vấn đề là các mô đã bị tổn thương, máu nuôi bị thiếu nên khả năng thành công giảm", TS.BSCK II Đỗ Lệnh Hùng cho biết.
Theo các chuyên gia, hẹp niệu đạo tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á thường xảy ra sau gãy khung chậu khi bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn xe máy, té ngồi trên mạn ghe thuyền và tai nạn lao động.
Hẹp niệu đạo gây ra khó khăn trong cuộc sống của người bệnh vì tình trạng tiểu rặn, tiểu khó, thậm chí phải cấp cứu khi bí tiểu. Bệnh lý hẹp niệu đạo để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý vì gây rối loạn đường tiết niệu dưới, cùng những biến chứng nhiễm trùng tiết niệu. Điều này không những làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, mà còn tăng gánh nặng dành cho xã hội khi nhóm bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi lao động.
Điều trị hẹp niệu đạo nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể gây hẹp tái phát, người bệnh phải phẫu thuật nhiều lần hoặc chịu cảnh mang ống thông dẫn lưu nước tiểu suốt đời. Tại các nước không có bác sĩ được đào tạo tốt trang thiết bị chuyên dụng về tạo hình niệu đạo, tỉ lệ thành công thường chỉ dưới 16%.
Cũng theo TS.BSCKII Đỗ Lệnh Hùng, qua hơn 8 năm kể từ khi thành lập Đơn vị Niệu đạo, số lượng ca phẫu thuật do các bác sĩ của đơn vị thực hiện mỗi năm đều tăng. Trước đây, bệnh viện thực hiện phẫu thuật tạo hình cho khoảng 250 trường hợp hẹp niệu đạo/năm, sau đó tăng dần lên hơn 500 trường hợp. Hiện nay, khoảng 800 trường hợp mỗi năm được điều trị tại Bệnh viện Bình Dân.
Bác sĩ lưu ý với người bệnh là kết quả của tạo hình niệu đạo cần được theo dõi sát. Một trường hợp phẫu thuật hẹp niệu đạo thành công phải được đánh giá lại sau 3-4 tháng. Mỗi năm người bệnh cũng cần tái khám theo hẹn của bác sĩ để đảm bảo máu nuôi ở nơi tạo hình vẫn tốt, tránh nguy cơ tái hẹp.