Phẫu thuật “qua lỗ khóa” - Hướng đi nhiều triển vọng

22-10-2009 09:57 | Thời sự
google news

Ngày 10/6/2005, Marlena Metter - một cô gái hoàn toàn khỏe mạnh, đang mang thai tuần thứ 25 phải lên bàn mổ tại bệnh viện của Trường đại học tổng hợp Bonn, Cộng hòa liên bang Đức. Người bệnh không phải là cô mà là cái thai trong bụng.

Ngày 10/6/2005, Marlena Metter - một cô gái hoàn toàn khỏe mạnh, đang mang thai tuần thứ 25 phải lên bàn mổ tại bệnh viện của Trường đại học tổng hợp Bonn, Cộng hòa liên bang Đức. Người bệnh không phải là cô mà là cái thai trong bụng.

Những thành công đầu tiên

Theo chẩn đoán của các bác sĩ thì thai nhi bị khuyết tật cột sống. Nếu không có sự can thiệp phẫu thuật, cháu bé sinh ra sẽ bị bệnh não úng thủy, rối loạn hệ tiêu hóa và liệt chi dưới. Các bác sĩ phẫu thuật và các nhà khoa học thuộc Trường đại học tổng hợp Bonn, dưới sự chỉ đạo của GS. Thomas Kohl đã tiến hành ca phẫu thuật lịch sử và táo bạo đối với thai nhi ngay khi nó còn đang nằm trong bụng mẹ. Sau ca phẫu thuật thành công, cháu bé sinh ra tuy thiếu tháng nhưng hoàn toàn khỏe mạnh. Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành bằng cách đưa qua cổ tử cung một thiết bị vi phẫu và bộ nội soi được nối với hệ vi tính ba chiều. Hình ảnh thai nhi được phóng to và quan sát ba chiều trên màn hình để các nhà phẫu thuật dễ dàng thao tác công việc. Để cho hình ảnh thai nhi được hiện trên màn hình rõ nét, các nhà khoa học đã phải rút bớt nước ối từ bọc thai nhi. Sau hơn một giờ phẫu thuật căng thẳng, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối với sự trợ giúp của các thiết bị vi tính tối tân, các nhà phẫu thuật Đức đã thành công trong việc điều trị chỉnh cột sống và các dây thần kinh, loại trừ cho thai nhi những căn bệnh hiểm nghèo.

Phẫu thuật thai nhi.

Cuộc phẫu thuật thai nhi của các nhà khoa học Đức được đánh giá là mở đầu cho một xu hướng điều trị bệnh mới, đó là điều trị bệnh ngay từ trong bào thai. "Đây là một bước ngoặt lớn trong y học đương đại" - GS. Krysztof Szafilk, Giám đốc Viện bảo vệ bà mẹ tại thành phố Lodz (Ba Lan) nhận xét. Tiếp theo sự kiện mang tính lịch sử tại Trường đại học Bonn, các nhà phẫu thuật Đức cũng đã tiến hành hàng loạt các ca phẫu thuật trẻ chưa sinh, mà theo chẩn đoán của các bác sĩ - đều bị các bệnh về đường tiết niệu và các khuyết tật tim bẩm sinh.

Tại Mỹ, các nhà khoa học cũng áp dụng phẫu thuật thai nhi để điều chỉnh các khuyết tật về cột sống. Gần đây nhất, GS. Joseph Bruner thuộc Đại học y khoa Vanderbilt tại Nashville đã tiến hành phẫu thuật cho thai nhi 21 tuần tuổi bằng cách đưa tử cung ra ngoài và tiến hành phẫu thuật thai nhi ngay trong bụng mẹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, phương pháp phẫu thuật quá táo bạo của GS. Joseph Bruner có thể gây ra các sự cố như sảy thai hay đẻ non. Phần lớn các thai nhi được phẫu thuật theo phương pháp của Joseph Bruner đều sinh sau 34 tuần và 15% sinh trước 30 tuần. Hậu quả của việc trẻ đẻ thiếu tháng có thể dẫn đến mù lòa, bại liệt hoặc chảy máu não.

Y văn thế giới cũng đã ghi nhận thành công của các giáo sư Ba Lan thuộc Học viện y khoa Lodz trong việc ứng dụng phương pháp phẫu thuật thai nhi. Họ đã tiến hành suôn sẻ một số ca phẫu thuật thai nhi bị chứng bệnh tắc đường tiết niệu, các khuyết tật về đường hô hấp và đưa thuốc qua cuống rốn để điều tiết nhịp tim cho thai nhi.

Bước tiến lớn của y học

Các nhà khoa học trên thế giới đều thống nhất rằng, liệu pháp phẫu thuật trẻ chưa sinh đã đánh dấu một bước tiến của y học trong việc bảo đảm cho thai nhi ra đời loại trừ được các bệnh bẩm sinh. Theo giáo sư phẫu thuật Đức Thomas Kohl, đây là liệu pháp "phẫu thuật qua lỗ khóa", đòi hỏi sự chính xác cao song cũng rất an toàn cho người mẹ và trẻ sơ sinh. Theo nguồn tin đăng tải trên tạp chí Der Spiegel, kể từ sau cuộc phẫu thuật lịch sử ngày 10/6/2005, Hội đồng y đức của thành phố Bonn đã cho phép tiếp tục thực hiện các ca phẫu thuật "qua lỗ khóa" cho 30 thai nhi khác và 90% trong số đó đã thành công. Theo đánh giá chung của giới y học thì phương pháp phẫu thuật nội soi "qua lỗ khóa" có sự trợ giúp của các thiết bị vi tính ba chiều mà nhóm GS. Thomas Kohl tiến hành là phương pháp an toàn và có nhiều triển vọng hơn.

Trong bước tiến của xu hướng điều trị trẻ chưa sinh, phải kể đến thành công của các bác sĩ người Anh vào năm 2007. Chính họ đã tiến hành thành công ca phẫu thuật thai nhi đầu tiên để điều trị khuyết tật về van tim. Một thai nhi 28 tuần tuổi bị khuyết tật về van động mạch phổi đã được các bác sĩ người Anh tại Bệnh viện  Charlotter điều trị bằng phương pháp đưa tử cung ra ngoài. Theo chẩn đoán, thai nhi bị tắc van động mạch phổi bẩm sinh, nếu không được can thiệp phẫu thuật, khi sinh ra cháu bé sẽ khó sống được. Cho đến nay, trên thế giới đã phẫu thuật thành công 14 ca cho trẻ chưa sinh để hiệu chỉnh van tim, song ca phẫu thuật của các bác sĩ người Anh là ca duy nhất thành công với bệnh lý tắc van động mạch phổi. "Ca phẫu thuật vô cùng khó khăn, nó diễn ra rất căng thẳng và khẩn trương bởi vì tim của thai nhi khi ấy mới chỉ to bằng quả nho" - người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật là nữ giáo sư Helena Gardiner đã phát biểu như thế trên đài truyền hình Anh.

Các nhà khoa học rất lạc quan về phương pháp phẫu thuật thai nhi. Không những thế họ còn đang chuẩn bị bước tiếp những bước đi mới như tiến hành các ca phẫu thuật chỉnh hình thai nhi. Những khuyết tật trên mặt thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch... sắp tới sẽ được các bác sĩ khắc phục ngay trong bụng mẹ. Theo giới chuyên khoa, cách làm này có một ưu điểm nổi trội là sẽ không để lại bất cứ một dấu vết nào của dao kéo, vì vậy, hiệu quả thẩm mỹ của phẫu thuật chỉnh hình thai nhi sẽ cao hơn nhiều so với phẫu thuật sau sinh.

Ngoài ra, các nhà virus học tại Mỹ và Đức còn có những ý định tiến hành tiêm chủng cho thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Các chuyên gia virus Canada đã tiến hành thí nghiệm tiêm chủng cho thai nhi của cừu để bảo vệ cừu con không bị virus lở mồm long móng tấn công. Giới y khoa khẳng định rằng, việc tiêm chủng mở rộng cho tất cả những đứa trẻ chưa sinh chỉ còn là vấn đề thời gian.

            Bảo Trân (Theo Wprost)


Ý kiến của bạn