Phẫu thuật nội soi đã “phủ sóng” hầu khắp các bệnh viện tuyến huyện

03-12-2016 15:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi, một bước tiến của y học ngoại khoa đã được thực hiện tại tất cả các tuyến trung ương, tuyến tỉnh, và “phủ sóng” hơn 90% bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị khoa học ngoại khoa và phẫu thuật nội soi- Nội soi toàn quốc năm 2016 diễn ra tại Hà Nội từ 1-3/12. Nhờ vậy, rất nhiều bệnh nhân đã không còn phải đi xa chữa bệnh, ngay tại huyện nhà cũng có thể hưởng những tiến bộ của y học hiện đại.

Trong 3 ngày, Hội nghị khoa học ngoại khoa và phẫu thuật nội soi- Nội soi toàn quốc  năm 2106 do Bệnh viện Việt Đức tổ chức đã diễn ra các hoạt động khoa học chất lượng cao như tập huấn trước hội nghị với các chuyên đề phẫu thuật đại trực tràng, thoát vị bẹn, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật cấp cứu tim mạch; Báo cáo khoa học về ngoại khoa và phẫu thuật nội soi- nội soi trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật, tiết niệu-sinh dục, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch- lồng ngực, cột sống, sọ não, gây mê. Hội nghị quy tụ 1.000 đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự với 218 bài báo cáo, trong đó có 6 bài báo cáo của chuyên gia nước ngoài.

Đặc biệt lần này, hội nghị có chủ đề Điều dưỡng trong ngoại khoa, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của công tác điều dưỡng trong những thành tựu của ngành Ngoại khoa Việt Nam.

Một ca ghép tạng do BV Việt Đức thực hiện

Ghép tạng Việt Nam vẫn là "vùng trũng"

Tại hội nghị, ghép tạng được coi là thành tựu của y tế Việt Nam nhờ những bước tiến dài trong những năm gần đây dù phát triển trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Đến nay, Việt Nam đã có 16 trung tâm ghép thận, 5 trung tâm ghép gan, 3 trung tâm ghép tim, 1 trung tâm ghép thận tụy. Thậm chí, ghép đầu cũng đã được thực nghiệm ở động vật đạt kết quả sống sau phẫu thuật 1 tháng.

Tuy Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật ghép tạng nhưng vẫn là “vùng trũng” của ghép tạng thế giới nếu xét về số lượng ca ghép. PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ BV Việt Đức kể, một GS của Ý từng sang Việt Nam học ghép gan. Trở về nước, đến nay ông đã thực hiện được 3.000 ca ghép gan. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, số lượng các ca ghép tạng nói chung của Việt Nam còn quá ít ỏi, vì vậy các thầy thuốc Việt Nam không thể có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân là do ở Việt Nam chủ yếu là ghép tạng từ người cho chết não. Bởi nhiều lý do, tạng hiến từ người cho chết não rất ít không đủ đáp ứng nhu cầu của người chờ ghép. Đến nay, ghép tạng từ người cho sống là một yêu cầu đối với ghép tạng Việt Nam. Nếu chỉ đi trên một chân là ghép tạng từ người cho chết não thì ghép tạng Việt Nam sẽ khó phát triển được, cũng như nhiều người bệnh đành ngậm ngùi chờ chết do không có tạng ghép. Vấn đề này đặt ra yêu cầu thay đổi, bổ sung trong các quy định về hiến tạng, các chính sách cần có cho người hiến tạng nếu mở rộng phạm vi đối tượng hiến tạng. Đây cũng là một câu hỏi cho các nhà làm luật và hoạch định chính sách.

Ca phẫu thuật bằng robot tại BV Nhi TƯ

Phẫu thuật nội soi Việt Nam đạt thành tựu nhảy vọt

Theo GS.TS Trần Bình Giang- Phó Giám đốc BV Việt Đức, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, phẫu thuật nội soi nước ta đã đạt được những thành tựu nhảy vọt. Phẫu thuật nội soi ở Việt Nam có thể thực hiện được trong tất cả các chuyên khoa (phẫu thuật tiêu hóa ổ bụng, tiết niệu, lồng ngực, nhi, thần kinh- sọ não, tim mạch, phụ khoa…) . Hầu hết những kỹ thuật khó đều được triển khai, trong đó có các kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi qua đường tự nhiên, phẫu thuật lấy thận ghép, phẫu thuật nội soi khớp… Mức độ che phủ của phẫu thuật nội soi ở Việt Nam so với thế giới có thể đứng hàng đầu. Hơn 90% bệnh viện trên cả nước đã thực hiện được phẫu thuật nội soi, trong đó hầu hết bệnh viện tuyến huyện đều làm được, tuy chỉ ở mức độ cơ bản nhưng đó là tiền đề để phát triển cao hơn.

Lĩnh vực phẫu thuật nội soi Việt Nam đã được các thầy thuốc Việt Nam triển khai giải quyết nhiều ca bệnh khó với sự tích hợp của các thiết bị ngày càng hiện đại như phẫu thuật siêu nhỏ, phẫu thuật robot. Với phẫu thuật robot, phẫu thuật viên thậm chí có thể mổ từ xa. Có thể nói rằng, phẫu thuật nội soi và nội soi là một tiến bộ của y học, là thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và xã hội, đó là ít đau, giảm chi phí chăm sóc, sớm ra viện, sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhiều người bệnh không cần vượt tuyến để điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân…

Phẫu thuật nội soi với camera chất lượng cao còn đem lại hình ảnh rõ nét hơn cả khi nhìn bình thường trong phẫu thuật mổ mở, do đó cũng đem lại nhiều thuận lợi cho thầy thuốc. Vì vậy, khi các kỹ thuật này được triển khai rộng khắp các tuyến y tế cơ sở, cụ thể là tuyến huyện, người dân chính là đối tượng được hưởng lợi trước tiên. Hội nghị lần này đã quy tụ nhiều báo cáo đã và đang ứng dụng có hiệu quả thiết thực tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Để đạt được thành tựu kể trên, một trong những nguyên nhân là đào tạo đã được chú trọng trong những năm qua. Hàng trăm khóa đào tạo đã được tổ chức tại các trung tâm y tế lớn cho các cơ sở y tế tuyến cơ sở. Nhiều thầy thuốc từ nước ngoài đã đến Việt Nam để học về kỹ thuật phẫu thuật nội soi của đồng nghiệp Việt Nam. Không chỉ học trực tiếp mà còn học từ xa- y học từ xa đã phát triển và nối dài cánh tay cho các thầy thuốc. Ngay trong hội nghị,đã diễn ra các cuộc truyền hình trực tiếp cuộc mổ ở 2 BV Việt Nam (BV Việt Đức, BV quân đội 108) và một bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản. Các cuộc phẫu thuật này và các báo cáo đều được truyền trực tiếp tới các điểm cầu của 15 quốc gia Châu Á, trong đó Việt Nam có 7 điểm cầu là các bệnh viện lớn trong cả nước.

Các chuyên gia đều cho rằng, để có thể mổ nội soi đòi hỏi trình độ cao của kỹ thuật viên, hơn nữa chỉ có thể mổ nội soi được khi trình độ mổ mở thành thục. Như vậy, có thể thấy trình độ kỹ thuật nội soi thể hiện rõ bước tiến của trình độ ngoại khoa Việt Nam. Rộng hơn, thành tựu của ngoại khoa và phẫu thuật nội soi-Nội soi Việt Nam thể hiện sự tiến bộ, phát triển của nhiều lĩnh vực y tế liên quan như, nội khoa, gây mê hồi sức, xét nghiệm, trang thiết bị y tế… của ngành y tế nước nhà.


Minh Thúy
Ý kiến của bạn