Chương trình hợp tác phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em dị tật khe hở môi vòm miệng
Ngày 21.9.2020 đã có hơn 60 trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, hở hàm ếch hoặc bị sẹo môi... được khám sàng lọc sàng lọc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108). Dự kiến khoảng 40-50 trẻ sẽ được phẫu thuật từ ngày 22 dến 25.9.2020. Đây là chương trình phối hợp của BV 108 cùng với Tổ chức Operation Smile (O.S) thực hiện chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch.
Từ năm 1990, O.S đã kết hợp với BV108 trong chương trình nhân đạo phẫu thuật nụ cười. Đến nay đã 30 năm, chương trình này đi vào hoạt động thường quy, mỗi năm mổ từ 3 đến 5 đợt. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên đây là đợt thứ 2 chương trình này được diễn ra tại BV 108. Trong 30 năm, O.S đưa chương trình này hoạt động tại Việt Nam, hơn 41.000 trẻ em mang dị tật bẩm sinh trên khuôn mặt đã được khám, phẫu thuật.
Khám sàng lọc trước phẫu thuật
Cháu N.T.A (22 tháng tuổi, Thái Bình), mặc dù nhìn bên ngoài, cháu không có dấu hiệu bị dị tật, nhưng từ khi sinh ra bác sĩ đã cho gia đình biết cháu bị hở vòm miệng. Chị H., mẹ cháu bé cho biết: Do bị hở vòm miệng sâu, nên quá trình nuôi bé rất khó khăn khi ăn, hay bị sặc, dẫn đến viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi. Qua theo dõi trên facebook, biết được chương trình phẫu thuật nụ cười nhân đạo nên gia đình đăng ký cho cháu được phẫu thuật. Lần đầu đi khám sàng lọc thì cháu chưa đủ tiêu chuẩn để mổ, vì còn nhẹ cân, lần này gia đình đăng ký tiếp và đã được đưa vào chương trình phẫu thuật.
Trong 30 năm, hơn 41.000 trẻ đã được khám và phẫu thuật mang lại nụ cười rạng rỡ.
Còn chị N.T.D, mẹ của cháu D.A. (7 tháng tuổi, Bắc Giang) cho biết bác sĩ phát hiện con bị dị tật sứt môi khi thai nhi được 5 tháng tuổi. Bác sĩ khuyên rằng dị tật này sau khi sinh, cháu đủ tháng sẽ được phẫu thuật và có cuộc sống bình thường. Qua tư vấn, gia đình được hướng dẫn đăng ký sang BV 108 để được phẫu thuật theo chương trình phẫu thuật nhân đạo nụ cười.
Sau khi được phẫu thuật, bé sẽ có nụ cười tươi xinh.
Giải đáp về băn khoăn khi sàng lọc thai nhi bị dị tật bẩm sinh, TS.Lê Diệp Linh - Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, BV 108 cho biết: Khi siêu âm và phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh khe hở môi, hở hàm ếch hoặc bị sẹo môi... thì bác sĩ sẽ thông báo để phụ huynh biết và chuẩn bị tâm lý đi điều trị cho con. Còn với dị tật này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Cho nên vấn đề sàng lọc trước sinh với dị tật môi vòm để bỏ thai là quan niệm rất sai lầm. Hiện nay, với phẫu thuật và y học hiện đại ngày càng phát triển, thì cơ hội sống cho các bé có dị tật môi vòm hoàn toàn có được cuộc sống bình thường và cơ hội rất lớn.
Cũng theo TS.Linh, trong các nghiên cứu từ trước tới nay, thì dị tật bẩm sinh môi vòm được cho rằng do trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ bị ốm (như cúm, nhiễm virus) sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Có một số nguyên nhân do hóa chất, thuốc... nhưng điều đó chưa được chứng minh. Đối với trẻ mắc dị tật này, ảnh hưởng ngay trong những tháng đầu sau sinh là chức năng bú mớm, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, dễ bị viêm phổi... dẫn đến bệnh nặng hơn. Nếu trẻ không được phẫu thuật, thì khi lớn lên, sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý...
TS.Linh cho hay: Với y học hiện đại, đã đặt vấn đề can thiệp sớm cho bệnh nhân. Với trẻ hở môi thì từ 6 tháng và cân nặng trên 7kg; với trẻ dị tật vòm thì từ 12-18 tháng, với cân nặng trên 10kg; trẻ không có bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, thần kinh… và không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám, là đủ tiêu chuẩn phẫu thuật. Khi được phẫu thuật, sẽ trả lại cho trẻ hình dáng nụ cười bình thường cũng như các chức năng ăn uống không bị sặc giúp giảm nguy cơ các bệnh đường hô hấp của trẻ, hoặc khi tập nói trẻ không bị khó khăn.
Nói về phẫu thuật này, TS.Linh chia sẻ: Với phẫu thuật khe hở vòm trước đây, khi mà kỹ thuật chưa tốt, là một đại phẫu thuật với trẻ và bệnh viện phải chuẩn bị cả truyền máu. Nhưng với sự phát triển của y học, cũng như gây mê và kỹ thuật của các phẫu thuật viên ngày càng được tiến bộ hơn, thì bây giờ các phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật thường quy. Nhưng nếu không được đào tạo bài bản và đầy đủ thì cũng không mổ được. Do vậy, phẫu thuật này phải được thực hiện tại bệnh viện có đủ điều kiện và có bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vưc này.
Về chi phí cho phẫu thuật này, TS.Linh cho biết: Tùy vào mỗi ca bệnh cụ thể sẽ có chi phí khác nhau. Với trẻ dưới 6 tuổi thường vẫn có được BHYT chi trả, nhưng điều này còn phụ thuộc vào các cơ sở y tế. Nếu các cơ sở y tế mà các con đăng ký bảo hiểm không được đào tạo bài bản về phẫu thuật môi vòm thì cũng không thực hiện được ca phẫu thuật này. Do vậy, khi gặp được chương trình phẫu thuật nhân đạo của O.S thì sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Đặc biệt là với các dị tật này, thường gặp ở những gia đình ở nông thôn, điều kiện khó khăn, thì chi phí đi lại, lưu trú tại bệnh viện cũng là rất lớn. Với chương trình phẫu thuật nhân đạo này, sẽ giúp cho các gia đình bớt đi khó khăn rất nhiều.