Không giống như những trường hợp lõm ngực thông thường, vùng lõm ngực của bé Trương Công Thịnh được nhận định là khá đặc biệt bởi xương ức gần chạm vào đến xương cột sống, vùng lõm không chỉ sâu mà con lan rộng cả vùng ngực, chèn ép tim, hạn chế chức năng tim phổi, suy giảm thể chất và còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của cậu bé. Khi tiếp nhận điều trị tại Bệnh Viện hoàn Mỹ Sài Gòn, cậu bé chỉ nặng 22kg (tương tương cân nặng của một bé 5 tuổi). Thậm chí cậu không thể chơi những trò chơi mạnh mẽ như các bé trai khác cùng trang lứa. Nhờ có sự giúp đỡ của Quỹ Hiểu Về Trái Tim, bé Trương Công Thịnh đã được phẫu thuật nâng lõm ngực giúp hồi phục lại hình dáng lồng ngực bình thường cho cậu bé và tiếp bước để bé sớm hòa nhập với cộng đồng.
Đúng 2 giờ chiều ngày 25/7/2015, bé được đưa vào phòng mổ thực hiện phẫu thuật nâng lõm ngực bằng thanh kim loại. Ca phẫu thuật kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ và đã kết thúc thành công. Chỉ sau 24 giờ, bé Trương Công Thịnh đã hồi phục và có thể chơi nhẹ nhàng với lồng ngực bình thường.
Bác sĩ Phạm Thế Việt - Trưởng Khoa tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhận định: “Đây là một ca lõm ngực bẩm sinh khá hiếm gặp và rất nặng. Thông thường, chúng tôi chỉ cần đặt 1 thanh kim loại trong thời gian từ 30 - 60 phút. Nhưng ca phẫu thuật của bệnh nhân Thịnh, chúng tôi đặt đến 2 thanh kim loại với thời gian lâu hơn 3 tiếng. Các bậc cha mẹ nên đưa bé điều trị sớm, tốt nhất là trước 6 tuổi. Nếu để càng lâu thì vết lõm sẽ ngày càng phức tạp, gây nguy hại đến chức năng tim phổi. Đồng thời gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ”.
Hiện nay, bé Thịnh đã được chuyển về phòng lưu bệnh để theo dõi, mọi chỉ số cho thấy bé Thịnh đang hồi phục nhanh.
Hình dáng lồng ngực của cậu bé Trương Công Thịnh trước và sau khi phẫu thuật
NGUYỄN MINH