Ở trẻ cận thị cao một mắt hoặc hai mắt mà không hiệu quả với các phương pháp điều trị thông thường như kính gọng và kính áp tròng có thể cần sự can thiệp của phẫu thuật.
Phẫu thuật khúc xạ cũng là một sự lựa chọn có hiệu quả ở những trẻ không thể đeo kính hoặc kính áp tròng do thay đổi giải phẫu ở mặt hoặc mắt, trẻ em mắc các vấn đề về rối loạn hành vi thần kinh, khuyết tật trí tuệ… Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là cận thị bao nhiêu đi-ốp thì cần đến phẫu thuật khúc xạ.
Tiêu chuẩn phẫu thuật khúc xạ điều trị cận thị
Tại Hội nghị Nhãn nhi và Lác Thế giới lần thứ 3 tại Barcelona, TS. Paysee đưa ra tiêu chuẩn phẫu thuật khúc xạ là cận thị ≥-4.0 đi-ốp đối với tật khúc xạ hai mắt không đều nhau và cận thị ≥-6.0 đi-ốp đối với tật khúc xạ hai mắt đều nhau, mặc dù trong thực tế, những bệnh nhân đã thất bại với kính gọng và kính áp tròng thường có số độ kính cao hơn tiêu chuẩn đó rất nhiều.Ưu điểm của phẫu thuật khúc xạ
Phẫu thuật khúc xạ mang lại rất nhiều lợi ích như loại bỏ tật khúc xạ, cải thiện thị lực và thị lực lập thể.
Bên cạnh đó, ở những bệnh nhân điều trị nhược thị nhưng khả năng tuân thủ điều trị của trẻ và cha mẹ kém thì phẫu thuật khúc xạ trước khi điều trị nhược thị cũng mang lại hiệu quả hơn từ đó giúp trẻ cải thiện thị lực hoàn toàn, cải thiện sự hòa nhập xã hội và đảm bảo sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ.
Các thách thức của phẫu thuật khúc xạ
Những thách thức đặt ra đối với phẫu thuật khúc xạ rất nhiều, bao gồm nhãn cầu đang trong giai đoạn phát triển, tình trạng thay đổi khúc xạ, đánh giá trước và sau phẫu thuật, khó nhận biết và xử trí các biến chứng sau phẫu thuật. Phẫu thuật thường được cân nhắc ở trẻ sau 2 tuổi vì trong 2 năm đầu tốc độ tăng trưởng ở trẻ rất nhanh.
Chỉ định chính trong phẫu thuật khúc xạ là giảm chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt. Trong tất cả các phẫu thuật khúc xạ trẻ em, việc xác định khúc xạ mục tiêu phải được quyết định ngay tại thời điểm phẫu thuật.
Mục đích là điều chỉnh khúc xạ sau điều trị để trẻ có thể đảm bảo chức năng thị giác tốt nhất và có thể ngăn ngừa bệnh nhược thị. Ở trẻ em, có thể không cần đòi hỏi sự hoàn hảo tối đa như ở người lớn. Bên cạnh đó cũng không cần quá đặt nặng vấn đề theo dõi nhược thị.
Điều trị khúc xạ bằng laser
Laser bề mặt thường được ưu tiên ở trẻ em, vì không có nguy cơ biến chứng liên quan đến tạo vạt giác mạc có thể xảy ra sau LASIK. Kháng viêm steroid sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng để đề phòng mờ đục giác mạc và giảm hiệu quả sau phẫu thuật laser. Phẫu thuật LASIK có thể là một lựa chọn nhưng cần phải cân nhắc đến những biến chứng của việc tạo vạt giác mạc.
Gần đây, phương pháp SMILE tạo một đường rạch nhỏ trên giác mạc thay vì tạo vạt như LASIK đang được nhiều bệnh nhân lựa chọn, phương pháp này tránh được nhiều biến chứng của tạo vạt giác mạc đồng thời mang lại hiệu quả tốt và ổn định. Đối với phương pháp SMILE trẻ không phải gây mê nên sẽ không chịu những tác dụng phụ của thuốc mê như phương pháp laser excimer.
Những thách thức được đặt ra của các phương pháp điều trị khúc xạ bằng laser là tính không hồi quy, đòi hỏi sự hợp tác cao của trẻ, không có khả năng điều chỉnh chủ động trong khi gây mê, phức tạp trong việc tính toán bề dày giác mạc cần loại bỏ và cảm ứng quang sai của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhu cầu về trang thiết bị như hệ thống gây mê cũng là một thách thức.
Xem thêm video được quan tâm:
TIN VUI- Hà Nội Lên Phương Án Cho Xe Buýt, Xe Khách Liên Tỉnh Hoạt Động Trở Lại