Phẫu thuật cột sống không còn là nỗi kinh hoàng

29-06-2011 07:28 | Bệnh thường gặp
google news

Mới ra đời được 4 năm nhưng Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, đã nhanh chóng được nhiều người biết đến, không chỉ vì những tiến bộ y học được thực hiện mà còn cả về thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ tại đây.

 TS. Nguyễn Văn Thạch
Mới ra đời được 4 năm nhưng Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, đã nhanh chóng được nhiều người biết đến, không chỉ vì những tiến bộ y học được thực hiện mà còn cả về thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ tại đây. Dù rất bận, nhưng TS. BS. Nguyễn Văn Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện cởi mở. Chính niềm đam mê khoa học cộng với tình yêu nghề cháy bỏng và lòng mong mỏi đem hạnh phúc đến cho người bệnh, TS. Nguyễn Văn Thạch cùng đồng nghiệp đã vượt qua muôn vàn khó khăn, quyết tâm xây dựng một chuyên khoa mà ông ấp ủ sau nhiều năm được đào tạo ở nước ngoài và cũng là một trong những lĩnh vực gai góc nhất trong ngành ngoại khoa - phẫu thuật cột sống.

PV: Là một trong những người đầu tiên tạo dựng nên Khoa Phẫu thuật (PT) cột sống và hiện là đơn vị phát triển mạnh trong bệnh viện (BV) Việt Đức với nhiều thành tích được biết đến, bác sĩ có thể kể cho chúng tôi về những ngày khởi đầu gian nan?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: Trước đây, lĩnh vực cột sống của BV Việt Đức gần như không có gì, triển khai mổ rất ít, chủ yếu là điều trị bảo tồn. Điều này khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến năm 2003, khi GS. Tôn Thất Bách lên làm Giám đốc BV, ông đã nhìn thấy những bất cập của vấn đề này và ông đã rất trăn trở, quyết tâm phải phát triển phẫu thuật cột sống. Khi đó, tôi cũng vừa được qua một khóa đào tạo nhiều năm ở CHLB Đức chuyên về phẫu thuật cột sống. Hai chúng tôi đã cùng chung ý tưởng phải thành lập một đơn vị phẫu thuật cột sống, quyết tâm đưa phẫu thuật cột sống vào mổ cấp cứu. Đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn với chúng tôi, không chỉ khó khăn về nhân lực, vật lực, mà còn khó khăn cả trong việc thay đổi nhận thức của đồng nghiệp trong việc điều trị các chấn thương cột sống bằng phẫu thuật thay vì bảo tồn như trước đây, rồi tiếp sau đó là đưa phẫu thuật cột sống không chỉ còn là mổ phiên mà phải được đưa vào mổ cấp cứu. Trước đây, bệnh nhân gãy cột sống thường chỉ được mổ phiên, ưu tiên cho mổ cấp cứu sọ não, thần kinh, ngoại mạch máu… Mà hậu quả của những ca chấn thương cột sống thường để lại những di chứng rất nặng nề cho cả gia đình và xã hội. Chứng kiến nhiều bệnh nhân đã phải chịu đau đớn và rất khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày vì những thương tổn cột sống, chúng tôi càng quyết tâm phải xây dựng một đơn vị PT cột sống mạnh, và tháng 9/2007, Khoa PT cột sống đã chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

PV: Có thời bác sĩ trong BV Việt Đức từng nói với nhau: “PT cột sống là điều kinh hoàng cho mỗi ca trực”. Tại sao lại như vậy? Vì khó? Vì nhiều bệnh nhân nặng? Hay vì lý do gì khác?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: (cười lớn). Đúng là trước đây nhiều người từng kháo nhau như thế. Như đã nói, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để đưa PT cột sống vào PT cấp cứu, làm sao tác động vào nhận thức để mọi người từ bác sĩ trực đến nhân viên điều dưỡng hiểu được tại sao phải cấp cứu các trường hợp chấn thương cột sống. Vì chưa đưa vào thường quy nên mọi người rất ngại tham gia các ca mổ chấn thương cột sống vì mỗi ca mổ cột sống thường rất lâu. Chưa được xếp vào dạng “ưu tiên”, chưa có bàn mổ cấp cứu dành riêng cho cột sống nên mỗi khi đến giờ nghỉ trưa hay thậm chí là vào ban đêm, tranh thủ các kíp mổ khác nghỉ, có bàn trống là chúng tôi triển khai đưa bệnh nhân lên mổ ngay. Lúc đó chỉ có mình tôi mổ là chính. Có những ngày đỉnh điểm đông bệnh nhân, tận dụng được bàn mổ, tôi đã phải đứng mổ thông tầm 3-4 ca/đêm.

 TS. Nguyễn Văn Thạch đang kiểm tra lại cho bệnh nhân vừa phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống.
PV: Mỗi ca mổ cột sống thời gian từ 3-4 tiếng đồng hồ, mổ 3-4 ca/ đêm, trọn đêm trắng của bác sĩ?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: (cười) Có nhiều đêm trắng như vậy chứ. Lúc đó nhân lực chưa có, khoa chưa thành lập, mình phải mày mò, chịu khó thôi. Đến nay, nhờ áp dụng những kỹ thuật cao, nhất là đưa kỹ thuật nội soi ứng dụng vào PT cột sống, thời gian mỗi ca phẫu thuật cột sống được rút ngắn rất nhiều (chỉ mất 1 giờ). Hiện, chúng tôi đã có một đội ngũ gồm 8 bác sĩ, 45 nhân viên là y tá, KTV, điều dưỡng của khoa.

PV:  PT nội soi lấy thoát vị đĩa đệm qua lỗ liên hợp đoạt giải Nhất Hội thao Khoa học sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế 2010. PT tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học (bơm xi măng qua bóng) được bình chọn là 1 trong 10 thành tựu y học Việt Nam năm 2010. Đặc biệt, kỹ thuật mổ nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng qua màn hình duy nhất chỉ BV Việt Đức làm được và nước ta cũng là nước duy nhất trong khu vực thực hiện được kỹ thuật này. Thưa bác sĩ, làm thế nào để Khoa  PT có được thành tích đó với thâm niên vẻn vẹn mới 4 năm?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: Để có được một trình độ nhất định như vậy thì các kỹ thuật phải được thực hiện một cách hệ thống. Ví dụ, trước khi mổ nội soi chúng tôi đã phải thành thạo mổ thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (chúng tôi đã mổ hơn 20.000 ca và chưa một trường hợp nào bị nhiễm khuẩn). Khó nhất là xác định được không gian 3 chiều để chọc vào một cách chính xác. Muốn mổ nội soi được phải xác định được khối thoát vị, đưa đúng vào lỗ liên hợp, lấy thoát vị đĩa đệm ra. Chúng tôi đi từ những kỹ thuật đơn giản nhất rồi dần dần tiến tới các kỹ thuật khó và phức tạp hơn. Phẫu thuật cột sống đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, bản lĩnh, tay nghề vững và độ nhạy cảm tốt. Như PT chỉnh vẹo cột sống là đỉnh cao của PT cột sống. Vì bệnh nhân gù vẹo cột sống bị thay đổi các mốc giải phẫu. Phẫu thuật phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm và cảm giác đôi tay của bác sĩ. Nếu chọc không đúng vào tủy sống bệnh nhân sẽ liệt ngay. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thành Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng định vị máy tính (navigation) trong phẫu thuật vẹo cột sống vô căn”. Đặc biệt, mới đây, chúng tôi cũng đã vừa hoàn thành Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống”.

Tôi nhận toàn bác sĩ nội trú trẻ về khoa và họ phát triển rất nhanh. Tuổi trẻ thông minh, sáng tạo và rất nhanh nhạy. Thời gian nội trú đã cho họ nhiều kinh nghiệm và thực tiễn, chúng tôi tiếp tục đào tạo và đưa ra nước ngoài tu nghiệp những khóa học ngắn hạn. Bên cạnh chú trọng đào tạo con người, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến việc trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại đồng bộ. Đến giờ như các bạn thấy, khoa có hệ thống trang thiết bị và phòng ốc khang trang. Chúng tôi có những phòng dịch vụ chất lượng cao ngang phòng ở khách sạn 3 sao. Không những thế, với chủ trương nâng cao chất lượng điều trị, giữ chân bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị, chúng tôi cũng rất chú ý đến dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân được khám chữa bệnh chất lượng cao.

 Phẫu thuật tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học qua bóng.
PV: Chúng tôi đã được nghe trực tiếp bệnh nhân của Khoa PT cột sống sau khi ra viện hết lời khen ngợi từ chất lượng điều trị, thái độ phục vụ đến việc không bao giờ nhận phong bì của các bác sĩ. Làm thế nào mà các bác sĩ có thể giữ vững được tấm lòng lương y trong thời buổi kinh tế thị trường như vậy?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: Tôi đề ra một nguyên tắc: không ai được nhận phong bì của bệnh nhân, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Muốn thế, bản thân mình phải là người nghiêm khắc thực hiện trước tiên. Nhưng, để anh em nghiêm chỉnh chấp hành, điều quan trọng nhất là phải nâng cao đời sống cho anh em. Bệnh nhân cột sống rất đông, chúng tôi động viên cán bộ trong khoa tăng giờ làm, phụ cấp tiền mổ sớm, tiền dịch vụ… Phương châm của tôi là Thầy thuốc cần người bệnh. Nên phải quan tâm tới chất lượng phục vụ và điều trị cho bệnh nhân. Mỗi một bệnh nhân khi đến khoa từ lúc khám đến lúc mổ chỉ phải đi lại dưới 4 lần. Lần thứ nhất là khám và xét nghiệm. Lần 2: duyệt mổ và xếp lịch mổ (có thể xếp mổ vào tháng sau. Nếu có thay đổi, khoa sẽ liên hệ trực tiếp với bệnh nhân). Lần thứ 3: vào mổ. Giữa bác sĩ và người bệnh luôn có mối quan hệ hai chiều.  Chất lượng phục vụ càng cao, bệnh nhân càng tìm đến đông hơn. Có lẽ điều đó giữ chân và thu hút nhiều bác sĩ trẻ muốn về khoa này.

PV: Một điều đặc biệt nữa là Khoa PTCS có một “Quỹ từ thiện”. Do đâu mà có vậy, thưa bác sĩ?

TS. BS. Nguyễn Văn Thạch: “Quỹ từ thiện” một mặt là do các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hảo tâm tài trợ, giúp đỡ. Mặt khác là của những bệnh nhân sau khi ra viện muốn có quà cảm ơn khoa thì chúng tôi dành để cho vào quỹ từ thiện, nhưng xin nhấn mạnh là quỹ chỉ nhận của những bệnh nhân có điều kiện kinh tế, còn những bệnh nhân nghèo hay những bệnh nhân là nông dân chúng tôi kiên quyết không nhận. Bởi bản chất của Quỹ này chính là để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

PV: Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện này!

  Mai Linh (thực hiện)


Ý kiến của bạn