Phẫu thuật cắt mí và những hậu quả nặng nề cần biết để phòng tránh

26-02-2023 09:50 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Cắt mí hay còn gọi là tạo hình nếp mí là một phẫu thuật thẩm mỹ, do đó cắt mí cũng có những rủi ro nhất định.

"Cắt mí có thể gặp những rủi ro nếu như không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ và phòng mổ không đảm bảo vô trùng, cơ sở y tế không được trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu" - TS.BS Nguyễn Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Phẫu thuật cắt mí và những hậu quả nặng nề cần biết để phòng tránh - Ảnh 1.

"Nhấn mí", "cắt mí" với mục đích giúp cho mắt đẹp hơn, mí rõ hơn, tạo điểm nhấn hoàn hảo cho khuôn mặt được chị em phụ nữ khá ưa chuộng.

Suy nghĩ chủ quan là thủ thuật đơn giản

"Nhấn mí", "cắt mí" với mục đích giúp cho mắt đẹp hơn, mí rõ hơn, tạo điểm nhấn hoàn hảo cho khuôn mặt được chị em phụ nữ lựa chọn khá phổ biến. Một thủ thuật nghe qua tưởng chừng rất đơn giản, nhưng thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định, có những trường hợp để lại những hậu quả nề, di chứng khó khắc phục.

Nhìn nhận dưới góc độ y khoa, TS.BS Nguyễn Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: "Cắt mí hay còn gọi là chỉnh mí là một phẫu thuật thẩm mỹ giúp loại bỏ da thừa vùng mí mắt do sự lão hóa da vùng mí hoặc tạo nếp mí to, rõ hơn.

Tuy nhiên, có lẽ số đông chị em phụ nữ sẽ được tư vấn theo cách người làm trước mách người làm sau, ai cũng có thể trở thành chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, rằng cắt mí là thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản, không có nguy hiểm, không có biến chứng, tiện đâu làm đó, "tranh thủ" thực hiện ngay tại spa, thẩm mỹ viên, thậm chí chủ quan làm ngay ở hiệu làm tóc… có quảng cáo thực hiện dịch vụ này một cách nhanh - gọn - rẻ.

"Tôi khẳng định cắt mí là một phẫu thuật thẩm mỹ, chính vì vậy, dù đơn giản hay phức tạp thì cũng giống như các phẫu thuật thẩm mỹ khác, cắt mí có những rủi ro nhất định, đặc biệt nếu như không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, phòng mổ không đảm bảo vô trùng, cơ sở y tế không đủ các phương tiện trang bị và thuốc cấp cứu"- TS.BS Nguyễn Quang Đức khuyến cáo.

Rủi ro thường gặp và hậu quả nặng nề

TS.BS Nguyễn Quang Đức cho biết những rủi ro và tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật cắt mí, bao gồm:

- Sưng và đau: Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt mí, bệnh nhân có thể sẽ trải qua giai đoạn sưng và đau, đặc biệt là trong 2-3 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, điều này thường là tạm thời và sẽ dần giảm sau một vài ngày.

- Nhiễm khuẩn: Việc thực hiện cắt mí có thể gây ra nhiễm khuẩn, đặc biệt là nếu vết mổ không được giữ vệ sinh và chăm sóc đầy đủ. Quá trình cắt mí, nếu không được giữ vệ sinh tuyệt đối, có thể làm tổn thương da và vùng mô xung quanh, mở ra cơ hội cho vi khuẩn, virus và nấm để xâm nhập và gây ra nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn do cắt mí có thể bao gồm đau, đỏ, sưng và ứ đọng mủ ở vùng khe mí. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm khuẩn mức độ nặng dẫn đến các biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn huyết, viêm não ….

- Không đối xứng: Nếu phẫu thuật cắt mí không được thực hiện đúng kỹ thuật, khe mí có thể bị đưa lên cao quá mức hoặc quá thấp khiến cho đôi mắt mất đối xứng. Thậm chí, nhiều trường hợp bị tình trạng trợn mắt, không nhắm được kín mắt khi ngủ do cắt bỏ quá nhiều da.

- Ảnh hưởng vận nhãn: Nếu kỹ thuật khâu không đúng có thể ảnh hưởng đến vận động nhãn cầu do tổn thương cơ hay thần kinh. Bệnh nhân bị hạn chế cử động của nhãn cầu khi nhìn lên, nhìn xuống hoặc liếc sang hai bên.

- Sẹo: Trong một số trường hợp, sẹo có thể hình thành sau khi cắt mí, gây ra sự khác biệt về màu sắc hoặc kết cấu giữa da quanh khe mí và da xung quanh.

- Mắt khô: Phẫu thuật cắt mí có thể làm cho mắt bị khô do giảm độ ẩm, dẫn đến tình trạng khó chịu và mỏi mắt.

- Chảy máu: Trong một số trường hợp, cắt mí có thể gây ra chảy máu và sưng tấy ở vùng quanh khe mí.

- Tổn thương giác mạc: Một số trường hợp hiếm, cắt mí có thể làm tổn thương trực tiếp đến nhãn cầu ảnh hưởng đến thị lực của mắt.

"Hồn mắt" không thể rập khuôn một phương pháp

TS.BS Nguyễn Quang Đức nhấn mạnh, cắt mí, nhấn mí là tiểu phẫu thuật nhưng lại rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ gương mặt hiện tại và thời gian về sau. Lưu ý, mỗi người có một đôi mắt khác nhau về hồn mắt, sự hài hòa giữa các thành phần mô mềm và xương ổ mắt, tình trạng da, cơ, mỡ mắt… Chính vì thế, không thể hoàn toàn rập khuôn một chỉ định, phương pháp cho tất cả đôi mắt. Phẫu thuật cắt mí cần phải do bác sĩ có chuyên môn, chuyên sâu và kinh nghiệm trên 5 năm thực hiện, xác định được yếu tố quan trọng trong nhấn mí, cắt mí chính là "hồn mắt".

Trong quá trình tiếp xúc và thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân, TS.BS Đức cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp cắt mí mắt hỏng không thể khắc phục, gây sự mất thẩm mỹ lớn cho gương mặt và tạo dư trấn tâm lý nặng nề đối với người bệnh. Vì vậy, nếu bạn muốn thực hiện phẫu thuật cắt mí, nhấn mí, hãy tìm kiếm các chuyên gia uy tín, tìm hiểu kỹ về phương pháp và những rủi ro có thể xảy ra để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi quyết định phẫu thuật.

Với trường hợp phẫu thuật cắt mí lỗi, hỏng, thông thường bệnh nhân cần đợi từ 3 đến 6 tháng để thực hiện cuộc phẫu thuật tiếp theo.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Đức, chị em phụ nữ không nên vội vàng chỉnh sửa mắt hỏng khi những tổn thương bên trong chưa lành. Trong 1 số trường hợp đặc biệt có các biến chứng xảy ra sau phẫu thuật như: Chảy máu không cầm, nhiễm trùng vùng mổ, rối loạn vận nhãn… cần được xử lý ngay lập tức để tránh hậu quả nặng nề. Riêng những trường hợp rơi vào trầm cảm do cắt mí bị hỏng, người bệnh cần điều trị về tâm lý trước khi thực hiện tiểu phẫu chỉnh sửa mắt hỏng.

Cách thức thực hiện phẫu thuật cắt mí:

- Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân - Bác sĩ sẽ làm sạch và khử trùng vùng da quanh mắt trước khi bắt đầu thực hiện phẫu thuật.

- Bước 2: Đánh dấu - Bác sĩ sẽ sử dụng bút lông hoặc bút dạ để đánh dấu vị trí mà mắt cần được chỉnh sửa.

- Bước 3: Vô cảm - Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê vào vùng da quanh mắt để giúp bệnh nhân không có cảm giác đau trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật.

- Bước 4: Phẫu thuật – Cách thức phẫu thuật sẽ tùy thuộc tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

- Bước 5: Băng vết mổ - Sau khi khâu đóng vết mổ, vết mổ sẽ được làm sạch và băng lại.

Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt mí, nhấn mí, bệnh nhân cần phải tuân thủ các hướng dẫn thay băng vết mổ và chăm sóc sau phẫu thuật của bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả".

(TS.BS Nguyễn Quang Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)).

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Người phụ nữ suốt ba năm 'trợn mắt' vì cắt mí | SKĐS


Hà Anh ghi
Ý kiến của bạn