BS Đặng Nguyễn Quỳnh Như – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh nhi sinh ngày 3/3/2021, được chuyển viện đến từ Bệnh viện An Giang. Trước đó, siêu âm tiền sản phát hiện u gan lúc 32 tuần tuổi.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi tỉnh, môi hồng, sinh hiệu ổn, vàng da toàn thân, bụng mềm, sờ thấy khối chắc to vùng thượng vị lệch trái. Kết quả siêu âm bụng cho thấy ở gan trái của bệnh nhi có khối echo hỗn hợp kích thước rất to (54x84mm), có vôi hoá, nhánh trái tĩnh mạch cửa có huyết khối. Các bác sĩ nghĩ là Hepatoblastoma gan trái kích thước rất to.
BS Đặng Nguyễn Quỳnh Như chia sẻ về ca phẫu thuật
CT-Scan bụng, khối mô đặc thuỳ trái gan, kích thước 6x7.5x7.7cm, giới hạn rõ, có đóng vôi bên trong, có xuất huyết trong u.
BS Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: Kỹ thuật cắt gan ở trẻ sơ sinh rất khó thực hiện bởi rất khó kiểm soát cầm máu trong quá trình mổ. Cho đến nay kỹ thuật phẫu thuật cắt gan ở trẻ sơ sinh rất ít được ghi nhận trên thế giới.
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào. Trên thế giới, những trường hợp trẻ sơ sinh mắc u gan có thể được điều trị bằng hoá trị liệu, tuy nhiên ở Việt Nam hoá trị liệu ở trẻ sơ sinh chưa thể thực hiện.
Các thầy thuốc đã nhiều lần hội chẩn, đánh giá các phương pháp điều trị, đứng giữa đắn đo bởi các phương pháp vô hoá chất, hoá, xạ trị cần phải có thời gian tuy nhiên nếu trong thời gian chờ đợi khối u lấn sang gan bên phải thì bệnh nhi sẽ vô phương cứu chữa.
Từ những nhận định trên đã đi đến quyết định liều lĩnh là phải phẫu thuật cứu bằng được bệnh nhi. Để thực hiện được cuộc phẫu thuật, mọi phương án đã được sẵn sàng, các bác sĩ đã thận trọng tìm tất cả mạch máu vào gan trái, chặn tất cả các mạch máu để kiểm soát mất máu trong quá trình mổ. Đây là khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật.
BS Đào Trung Hiếu cho biết kỹ thuật phẫu thuật cắt gan ở trẻ sơ sinh rất khó thực hiện
Cuộc phẫu thuật cắt gan trái cho bệnh nhi được thực hiện vào ngày 16/3, kép dài 150 phút. Trong quá trình mổ, bệnh nhi mất 80ml máu, phải truyền 100ml hồng cầu lắng và các chế phẩm máu.
Sau mổ, bé được thở máy, môi hồng, da niêm hồng. Kết quả giải phẫu bệnh lý bệnh nhi mắc u máu ngoại mô, U mô mạch máu trẻ em, khối u có thể phát triển ở phổi, lồng ngực, cổ, gan. So với các vị trí khác, vị trí xuất hiện khối u ở gan rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/1 triệu trẻ). Ở gan, khối u sẽ trở nên đặc biệt bởi mức độ tăng sinh nhanh, bệnh nhi sẽ đứng trước ranh giới t”tử thần”, nguy cơ tử vong trong bối cảnh suy gan.
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên khối u.
Liên quan đến u gan ở trẻ em, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình 1 năm các bác sĩ thực hiện từ 10-15 ca phẫu thuật cho bệnh nhi bị u gan. Đây là trường hợp bệnh nhi sơ sinh được phẫu thuật cắt gan đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Nhi đồng 1 nói riêng và Việt Nam nói chung.