Theo TS.BS. Đỗ Văn Minh (Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao- BV Đại học Y Hà Nội), bong diện bám dây chằng chéo trước (DCCT) ở trẻ em là tổn thương thường gặp, chiếm khoảng 5% tổng số chấn thương khớp gối có tụ máu nội khớp gối ở trẻ em, thường gặp ở lứa tuổi từ 8- 14 tuổi. Bong diện bám DCCT ngày càng nhiều do thể thao học đường phát triển và tai nạn giao thông gia tăng. Tổn thương này tạo ra bởi một lực tác động mạnh vào vùng gối làm căng đột ngột và quá mức DCCT, dẫn đến bong diện bám của DCCT khỏi mâm chày. Diện bám này bao gồm mảnh sụn kèm xương dưới sụn. Do đó bản chất của tổn thương này là một loại gãy xương kín nội khớp. Tổn thương diện bám DCCT khớp gối được phân loại như sau:
Độ 1: Bong diện bám không di lệch.
Độ 2: Bong diện bám di lệch ít nhưng còn gắn kết ở bờ sau.
Độ 3: Bong diện bám di lệch hoàn toàn (3a: di lệch hoàn toàn và 3b: di lệch hoàn toàn kèm di lệch xoay).
Độ 4: Diện bám gãy nát, di lệch hoàn toàn và xoay.
Điều trị bong diện bám DCCT tùy thuộc vào mức độ bong và các tổn thương phối hợp của khớp gối. Ở độ 1 và độ 2 có thể điều trị bảo tồn bằng cách chọc hút dịch và bó bột duỗi gối. Phẫu thuật là bắt buộc khi tổn thương từ độ 3 trở lên và độ 2 không thể nắn chỉnh được.
Bệnh nhân được mổ khâu phục hồi diện bám dây chằng chéo trước kỹ thuật tất cả bên trong.
Áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị
Trong 1 tuần gần đây, BV Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận 2 ca trẻ em bị bong diện bám DCCT khớp gối đều ở mức độ 3b. Một là em Ng.M.Th. (9 tuổi) bị chấn thương khi đang chơi đá cầu bị bạn xô ngã. Tai nạn ở trường dường như khá bình thường khiến cho cả em và bố mẹ đều không để ý, nhưng 1 tuần sau em đau không đi lại được nên đến BV khám. Trường hợp thứ hai cũng là một nữ sinh tên H.T.A.T., 16 tuổi ở Vĩnh Phúc, bị chấn thương khớp gối do ngã xe. Em T. đi khám tại địa phương nhưng chụp Xquang không phát hiện ra bong điểm bám DCCT nên được bó gối. Do vẫn sưng đau, gia đình lại đưa đi khám ở BV tỉnh thì được chuyển viện về BV Đại học Y Hà Nội.
TS.BS. Đỗ Văn Minh cho biết, nếu theo phương pháp kinh điển, 2 ca này sẽ phải phẫu thuật cố định diện bám chày dây chằng chéo trước khớp gối bằng vít nén ép hoặc khâu xuyên xương. Với kỹ thuật này nếu tiến hành ở người lớn thì không có nhiều vấn đề cần tranh luận, tuy nhiên đối với xương trẻ em, do đầu trên xương chày có cấu trúc sụn phát triển nên để cố định diện bám của dây chằng chéo trước bác sĩ phẫu thuật sẽ phải khoan xương qua sụn tiếp hợp của đầu trên xương chày. Như vậy, phẫu thuật sẽ ít nhiều làm tổn thương sụn phát triển của trẻ em ở các mức độ khác nhau, do đó ảnh thưởng tới sự phát triển của xương sau phẫu thuật.
Để tránh gây tổn thương cho sụn tiếp, chỉ có một cách là không khoan xương và đó chính là kỹ thuật mới mà TS. BS. Đỗ Văn Minh và cộng sự đã thực hiện trong 2 ca phẫu thuật gần đây. Kỹ thuật mới này là “Phẫu thuật nội soi khâu phục hồi diện bám dây chằng chéo trước kỹ thuật tất cả bên trong”. Phẫu thuật được tiến hành hoàn toàn qua nội soi với 2 ngõ vào khớp gối, tránh được thêm sẹo mổ cho bệnh nhân, mà ở trẻ em nguy cơ rất lớn là sẹo lồi, sẹo xấu. Ưu điểm của kỹ thuật này là: Cố định vững chắc diện bám chày của dây chằng chéo trước, thậm chí có thể nén ép được diện gãy. Không khoan qua sụn phát triển của trẻ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Không khoan xương nên hạn chế đau sau mổ và người bệnh phục hồi sau mổ nhanh chóng.
Nhìn trên phim Xquang, kết quả kiểm tra xương cho thấy diện bám trở về đúng vị trí giải phẫu, không có phần mềm chèn giữa diện bám, cản trở quá trình liền xương. Với kỹ thuật cố định diện bám mới này, bệnh nhân có thể tập gấp duỗi gối luôn mà không phải bất động (kỹ thuật kinh điển phải chờ 3 tuần sau mới tập), như vậy thời gian phục hồi biên độ vận động sớm hơn. Khoảng 1,5-3 tháng là bệnh nhi có thể chơi thể thao trở lại bình thường (so với kỹ thuật kinh điển là 6 tháng).
Lời khuyên của thầy thuốc
Gia đình của cả 2 bệnh nhi đều không ngờ rằng chỉ một tai nạn thông thường mà con mình phải phẫu thuật khớp gối. Nhưng trên thực tế, bong diện bám DCCT khá thường gặp ở trẻ em. Nếu tổn thương độ 3 trở lên mà không được phẫu thuật, hậu quả sẽ là mất duỗi gối, chỉ gấp gối được 20-30 độ, lỏng gối, kẹt khớp, đau kéo dài... Vì vậy, nếu trẻ gặp phải chấn thương mà thấy đầu gối có dấu hiệu sưng nề, hạn chế gấp duỗi, hạn chế vận động là phải nghĩ tới tổn thương diện bám DCCT và nên đưa tới bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để thăm khám, điều trị.