Khi các biện pháp điều trị nội khoa hay can thiệp không giải quyết được tình trạng tắc nghẽn mạch vành của bạn thì dùng phương pháp phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành là một giải pháp rất quan trọng. Những tiến bộ về phẫu thuật tim mạch có tuần hoàn bên ngoài cơ thể đã mang lại nhiều hy vọng hơn cho những bệnh tim hiểm nghèo. Nếu bạn phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành, bạn không nên quá lo lắng, những chỉ dẫn của bác sĩ trong bài viết sau sẽ giúp bạn vượt qua cuộc đại phẫu một cách dễ dàng.
Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành (ĐMV) là bệnh của các động mạch chạy xung quanh tim và cung cấp máu cho cơ tim hoạt động. Khi các nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn bởi các mảng xơ vữa thì gọi là bệnh ĐMV. Sự tắc nghẽn của ĐMV có thể làm giảm lượng máu tới cơ tim. Điều này dẫn tới cơn đau ngực được gọi là cơn đau thắt ngực, hoặc thậm chí nhồi máu cơ tim.
Vì sao bạn cần phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành ?
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành sau khi đã đánh giá các triệu chứng và kết quả chụp ĐMV của bệnh nhân. Đó là khi bệnh nhân không thể đáp ứng với các biện pháp điều trị khác như nội khoa hay can thiệp. Cầu nối chủ-vành sẽ làm cải thiện sự cung cấp máu cho cơ tim, do đó giúp cho tim của bệnh nhân hoạt động tốt hơn. Phẫu thuật này sẽ cải thiện, thậm chí làm hết hẳn đau ngực và làm tăng tuổi thọ.
Lợi ích của phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành
Làm cải thiện dòng máu tới nuôi cơ tim, giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn: đau ngực giảm đi hoặc hết hẳn đau; phải dùng thuốc ít hơn; hoạt động thể lực tốt hơn; có một cuộc sống khỏe khoắn hơn; sống lâu hơn.
Phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành có gì đặc biệt?
Phẫu thuật sẽ bắc những cầu nối tắt từ động mạch chủ (qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc) vào phần ĐMV ở phía sau chỗ hẹp hoặc tắc để đưa máu tới nuôi cơ tim. Cầu nối có thể được lấy từ các động mạch ở trong ngực của bệnh nhân (động mạch vú trong) hay tĩnh mạch ở chân (tĩnh mạch hiển trong). Đôi khi cầu nối có thể được lấy từ các động mạch ở cánh tay (động mạch quay).
Các cầu nối làm bằng tĩnh mạch hay động mạch ở cánh tay cần phải nối cả 2 miệng nối ở động mạch chủ (động mạch chính dẫn máu từ tim đi nuôi cơ thể) và ở ĐMV, trong khi cầu nối bằng động mạch vú trong thì chỉ cần làm một miệng nối vào ĐMV. Cầu nối được khâu vào động mạch vành ở phía sau chỗ hẹp hoặc tắc.
Bắc cầu nối chủ - vành. |
Thường bác sĩ sẽ mổ một hoặc hai đường ở chân của bệnh nhân để lấy tĩnh mạch làm mảnh ghép cầu nối. Đôi khi bác sĩ sẽ rạch một vết chích nhỏ ở bẹn của bệnh nhân để vào các mạch máu lớn.
Người ta cũng có thể phẫu thuật bắc cầu nối chủ-vành qua những đường rạch nhỏ ở ngực (mổ bắc cầu nối chủ-vành nội soi) và không cần tới máy tim phổi nhân tạo. Điều này phụ thuộc vào tổn thương trên hệ ĐMV và khả năng của phẫu thuật viên.
Quá trình lành vết thương?
Thông thường nếu động mạch vú trong được dùng làm cầu nối, bệnh nhân có thể bị tê nhẹ ở xương ức. Sau đó, cũng có thể bị tăng cảm giác (dị cảm) sau vài tuần rồi dần dần sẽ trở về bình thường.
Các vết mổ ở chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị tê buốt xung quanh vùng mắt cá và cảm giác đó thường kéo dài nhiều tuần sau đó. Vùng mắt cá chân đôi khi bị sưng nề. Bệnh nhân nên dùng băng chun băng vùng cẳng chân và kê chân cao khi nghỉ ngơi, điều đó sẽ giúp làm giảm phù nề. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy tê buốt ở mu bàn tay nếu động mạch quay được lấy làm cầu nối. Cảm giác này cũng có thể kéo dài nhiều tuần sau đó.
Ngoài ra, đi bộ là một biện pháp phục hồi chức năng rất hữu hiệu cho chân cũng như cho trái tim.
Bạn cần làm gì sau phẫu thuật?
Nhiều người bệnh cứ nghĩ rằng sau can thiệp ĐMV qua ống thông hay phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Điều trị bằng thuốc hay bất kỳ một biện pháp nào khác chỉ là điều trị các triệu chứng. Để trái tim của bạn luôn được cung cấp máu đầy đủ, bạn cần loại trừ và khống chế được các nguyên nhân gây bệnh, đó là tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, thừa cân - béo phì. Nếu sau khi được bắc cầu nối chủ - vành, người bệnh vẫn ăn nhiều chất béo, vẫn sống trong tình trạng stress, cô đơn, huyết áp vẫn không được kiểm soát... và lười vận động thì bệnh sẽ tái phát rất nhanh chóng, thậm chí nặng hơn và khi đó điều trị cũng khó
khăn hơn.
Vì thế, để đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh phải tái khám đúng hẹn, dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt phải thực sự chủ động thay đổi lối sống.Các bác sĩ sẽ dùng những kỹ thuật tốt nhất để cứu sống bạn nhưng để có một cuộc sống chất lượng thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và nỗ lực của người bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn