Mới đây, các bác sĩ tại Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) ứng dụng phương pháp gây tê cục bộ phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành trong khi tim đang đập mà không chạy tim, phổi nhân tạo. Đây là phương pháp phẫu thuật giúp giảm biến chứng và nguy cơ tử vong sau mổ so với phương pháp gây mê toàn thân.
Bệnh nhân Lương Đức V., 62 tuổi (Hải Phòng) có tiền sử bị tăng huyết áp đã 20 năm. Bệnh nhân dùng thuốc kiểm soát huyết áp đều đặn. 2 tuần trước khi nhập viện, ông V. thấy có biểu hiện tức ngực âm ỉ, đau tăng khi gắng sức, sau khi nghỉ ngơi thì đỡ đau. Ông đã đi khám và dùng thuốc điều trị nhưng tình trạng không đỡ mà có triệu chứng nặng thêm nên ông đã đến Viện Tim mạch. Tại đây, các bác sĩ đã khám và chỉ định cho ông chụp mạch vành, điện tâm đồ, siêu âm tim. Kết quả cho thấy: động mạch cảnh xơ vữa gốc động mạch dưới đòn, hở van 2 lá, hở van động mạch phổi, tăng áp lực động mạch phổi. Mạch vành bị xơ vữa hẹp 80%, đây là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu nuôi tim gây đau ngực, do vậy bệnh nhân được chỉ định nhập viện ngay lập tức.
Theo TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch: Đau tức ngực là một triệu chứng thường gặp, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến như: do phổi và màng phổi, do cơ xương thành ngực, do thần kinh, do tim mạch (viêm cơ tim, bóc tách động mạch chủ, mạch vành...). Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất là co thắt các động mạch vành trên như bệnh nhân bị hẹp sẵn mạch vành như bệnh nhân V. Biến chứng đáng sợ nhất là nhồi máu cơ tim, có thể gây tử vong. Vì vậy, ông V. là một trường hợp may mắn được phát hiện sớm nhờ chụp mạch vành.
Phẫu thuật khi tim vẫn đập
Bình thường, với những tổn thương mạch vành hẹp 80%, các bác sĩ thực hiện đặt stent, nhưng với bệnh nhân V. vì đoạn hẹp dài, nếu đặt stent bệnh nhân sẽ phải dùng 2 - 3 stent (mỗi stent giá khoảng 30.000.000đ), như vậy rất tốn kém. Hơn nữa, nếu phải phẫu thuật theo kinh điển tức bắc cầu nối mạch vành được thực hiện với tuần hoàn ngoài cơ thể trên tim đã ngừng đập (gây mê toàn thân và chạy tim phổi nhân tạo), có những hạn chế như: việc tim bị ngừng cung cấp máu và làm đông lạnh trong thời gian phẫu thuật sẽ dẫn tới những rối loạn chuyển hóa cơ tim và ảnh hưởng xấu tới chức năng cũng như khả năng phục hồi của tim, nhất là khi chức năng tim yếu. Việc kẹp động mạch chủ, nhất là trên những bệnh nhân lớn tuổi, thành động mạch chủ xơ vữa, có thể gây những rối loạn thần kinh trung ương sau mổ ở những mức độ khác nhau. Tuần hoàn ngoài cơ thể cũng ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể như đông chảy máu, chức năng thận, chức năng hô hấp sau mổ...
Vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bằng phương pháp gây tê cục bộ để bắc cầu chủ vành. Với phương pháp này, tim vẫn đập và bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.
Ưu điểm vượt trội
TS. Hùng cho biết: Phương pháp gây tê ngoài màng cứng được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật tiết niệu, các phẫu thuật chi dưới, các phẫu thuật sản phụ khoa... đây cũng là phương pháp giảm đau sau mổ hiệu quả. Việc áp dụng kỹ thuật này để thực hiện kỹ thuật bắc cầu nối chủ vành không dùng tim, phổi nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp kinh điển, đó là có thể phẫu thuật cho những bệnh nhân mà tình trạng toàn thân của bệnh nhân cũng như chức năng tim đã kém, không thể áp dụng phương pháp mổ với tim, phổi máy (ngoài cơ thể); hoạt động của tim không bị gián đoạn, thời gian phục hồi và những biến chứng nguy hiểm đối với bệnh nhân sẽ giảm rất nhiều; rút ngắn thời gian mổ và thời gian hồi sức sau mổ cho bệnh nhân; giảm truyền máu trong và sau mổ; giảm các biến chứng thần kinh, suy thận, suy hô hấp sau mổ. Điều này rất quan trọng với các bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao. Mặt khác, chi phí ca phẫu thuật cũng giảm hơn (giảm về chi phí gây mê, giảm một bộ phổi nhân tạo). Hơn nữa, bệnh nhân hồi phục nhanh, không cần dùng nhiều thuốc nên giảm được chi phí đáng kể.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công kỹ thuật mới này cũng có không ít những khó khăn vì các bác sĩ phải nối mạch vành (kích thước mảnh và rất nhỏ 1 - 2mm) trong khi tim đang đập, nên ngoài các phương tiện hiện đại, đồng bộ và dụng cụ đặc biệt để cố định vùng tim cần làm cầu nối, đòi hỏi kíp mổ phải có kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản về kỹ thuật này; khi phẫu thuật quả tim được nâng lên để lộ vị trí động mạch vành trong khi tim vẫn đang đập nên các thao tác phải rất chuẩn xác và đòi hỏi sự phối hợp hết sức chặt chẽ, tinh tế giữa các thành viên trong kíp mổ. Được biết, thời gian tới sẽ có nhiều kỹ thuật mới nữa được ứng dụng và triển khai tại đây.
Khánh Mai
Phẫu thuật bắc cầu nối vành chủ là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả tái tưới máu động mạch vành (ĐMV) toàn diện và triệt để nhất với kết quả lâu dài. Để bắc cầu ĐMV, phẫu thuật viên sẽ dùng các mạch ghép, có thể là tĩnh mạch (thường là tĩnh mạch hiển ở chân); động mạch vú trong (bên trái hoặc bên phải, hoặc cả 2 bên) hoặc đoạn động mạch quay ở tay của bệnh nhân. Mạch ghép này sẽ được nối vào ĐMV ở sau vị trí tổn thương để đưa máu từ động mạch chủ đi tắt qua vị trí tổn thương để nuôi tim. Chính vì vậy mà phương pháp này có tên là bắc cầu. Phẫu thuật có thể hạn chế được tình trạng tái tắc ĐMV và bảo tồn được dòng máu theo sinh lý bình thường của đoạn mạch vành sau tổn thương. Tại Viện Tim mạch Quốc gia, chi phí của ca phẫu thuật khoảng 13 triệu đồng (phẫu thuật ở Mỹ là 10.000 USD/ca). Bệnh nhân chỉ cần nằm hồi sức 2 - 3 ngày thay vì 5 ngày như trước. |