Hà Nội

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo

16-11-2020 14:23 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sáng 16/11/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn – Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK TW Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân suy tim do hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành bằng phương pháp bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo với mạch máu làm cầu nối toàn bộ bằng động mạch.

Ông Trần Văn K. , 58 tuổi ở Trần Đề - Sóc Trăng, nhập viện cấp cứu vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 22/10/2020 với triệu chứng đau thắt vùng ngực trái; mệt, khó thở phải ngồi.

Ông Khanh hút thuốc lá nhiều, có bệnh tăng huyết áp; Đái tháo đường type II; nhồi máu cơ tim cũ. Kết quả siêu âm tim màu: Giảm động nhiều vùng cơ tim, giãn lớn cả 2 thất-chức năng co bóp tim trái giảm nặng.

Kết hợp kết quả chụp động mạch vành có cản quang, bệnh nhân cóchẩn đoán: Đau thắt ngực không ổn định có suy tim độ III. Hẹp nặng ba nhánh động mạch vành. Có rối loạn lipid máu .

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn phẫu thuật bệnh nhân và chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (4 cầu) không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (Off Pump CABG ) với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch, bao gồm: Động mạch ngực trong hai bên và động mạch vị mạc nối phải (nhánh nuôi dạ dày ).

Kíp mổ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

Ngày 29/10/2020: Ê-kip phẫu thuật do BS.CKII Lâm Việt Triều – Trưởng khoa Phẫu thuật tim; ThS.BS Nguyễn Công Cữu (Khoa Phẫu thuật tim); ThS.BS Trần Thị Kim Luyến (Khoa Gây mê hồi sức) cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn từ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

BS.CKII Lâm Việt Triều cho biết: Sở dĩ chúng tôi lựa chọn phương pháp phẫu thuật bắc cầu độngmạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể do bệnh nhân có tình trạng suy tim nặng, dãn lớn hai thất và đặc biệt là suy giảm nặng chức năng thất trái.

Việc sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể ở bệnh nhân này có thể khiến tình trạng suy tim sau mổ nặng hơn do các chất độc sinh ra trong quá trình chạy máy và ngừng tim sẽ ức chế hoạt động tế bào cơ tim sau mổ. Điều này sẽ khiến cho quá trình hồi sức sau mổ nặng nề và phức tạp hơn rất nhiều.

BS Triều cũng cho biết thêm: Có nhiều loại mạch máu (động mạch, tĩnh mạch) được lựa chọn làm cầu nối mạch vành. Xu hướng hiện nay là sử dụng toàn bộ động mạch để làm cầu nối vì đã chứng minh được kết quả lâu dài và được nhiều trung tâm phẫu thuật tim trên thế giới áp dụng.

Động mạch vị mạc nối phảicó ưu điểm về cấu trúc giải phẫu, đường đi và dễ dàng nối vào các động mạch vành ở mặt dưới và sau của tim. Ngoài ra: động mạch ngực trong hai bên và động mạch vị mạc nối phải là các cầu nối có cuống cung cấp máu tự nhiên nên chỉ cần thực hiện miệng nối trên mạch vành, không thực hiện miệng nối trên động mạch chủ. Điều này giúp bệnh nhân tránh được biến chứng lấp mạch não bởi mảng xơ vữa (do kẹp động mạch chủ).

Ê kíp phẫu thuật tiến hành lấy động mạch vị mạc nối phải bằng dao siêu âm

Trước đây, phẫu thuật bắc cầu mạch vành được thực hiện với sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể (on pump CABG) và ngừng tim với nhiều biến chứng lên các cơ quan đích.

Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa đặc biệt, tiếp xúc với màng trao đổi khí nên ít nhiều sẽ dẫn đến các tác dụng có hại.

Đồng thời, kỹ thuật này cần kẹp động mạch chủ và bảo vệ cơ tim bằng dung dịch liệt tim để tim ngưng đập trong quá trình thực hiện các miệng nối. Một số tác dụng phụ của máy tim phổi nhân tạo và liệt tim có thể xảy ra tùy theo thời gian chạy máy kéo dài hoặc ngừngtim kéo dài.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim; rối loạn đông máu sau mổ, rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị.

Trong khi đó, với phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể (off pump CABG) thì tim vẫn tiếp tục đập và đảm bảo huyết động của bệnh nhân.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với phương pháp cổ điển.

Để thực hiện được đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của ê kíp phẫu thuật và các trang thiết bị phù hợp. Phương pháp này chỉ được triển khai khi ê kíp phẫu thuật đã thành thạo với phương pháp cổ điển.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển sang khu hồi sức với tình trạng huyết động ổn định và rút nội khí quản sau 6 giờ. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, vết mổ khô, sinh hoạt bình thường, các chỉ số xét nghiệm ổn định; xuất viện sau phẫu thuật 7 ngày.

Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của trung tâm tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, BVĐK TW Cần Thơ đã áp dụng thành công kỹ thuật này trong điều trị phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân có tình trạng hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành và đây là một trong những kỹ thuật đỉnh cao của phẫu thuật tim mạch, thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn, kể cả trong nước và trên thế giới.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn