Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Giải pháp tối ưu giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim

15-12-2021 17:57 | Y học 360

SKĐS - Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là phương pháp mang đến nhiều lợi ích to lớn, giải pháp điều trị bệnh mạch vành hiệu quả. Phương pháp này giúp cải thiện đáng kể lượng máu cung cấp cho cơ tim...

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành đã trở thành một phát minh mang tính đột phá trong lịch sử ngành phẫu thuật tim mạch thế giới. Phương pháp này đã mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, làm giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh mạch vành.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là tên gọi của một nhóm các bệnh lý liên quan đến mạch vành - mạch máu cung cấp năng lượng để cơ tim hoạt động. Tim được cấp máu từ 3 mạch máu lớn gọi là mạch vành.

Bệnh nhân bị bệnh mạch vành xuất hiện do các mảng xơ vữa bám trên thành mạch làm hẹp mạch máu, điều này gây cản trở cho quá trình lưu thông máu đến cơ tim. Lượng máu đến cơ tim sẽ bị giảm đi nhiều nếu các mạch máu bị hẹp nhiều, oxy để cung cấp cho cơ tim cũng bị giảm đi khiến người bệnh cảm thấy đau ngực, nặng ngực hoặc cảm giác bị bóp nghẹt.

Cơn đau ở ngực sẽ lan ra các bộ phận khác trên cơ thể như vai, cổ, hàm và người bệnh sẽ cảm thấy khó thở. Nặng nề hơn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và ngưng tim, bệnh nhân có thể đột tử.

2. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là gì?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (hay phẫu thuật bắt cầu chủ vành) là phương pháp mổ bắc cầu trên những động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc mà không thể đặt stent. Đây là một trong những phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành, hội chứng mạch vành cấp.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Giải pháp tối ưu giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim  - Ảnh 2.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ giúp tái lưu thông máu đến vùng tim bị tổn thương.

3. Đối tượng được chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có chỉ định ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ do hẹp các mạch vành chính và các nhánh có kích thước lớn hơn 1 mm.

Bệnh nhân có bệnh lý mạch vành nặng và suy chức năng thất trái, chỉ định mổ bắc cầu bao gồm: Hẹp thân chung động mạch vành trái hoặc cả hai động mạch liên thất trước và động mạch mũ của động mạch vành trái; bệnh lý cả ba thân động mạch vành, đặc biệt với chức năng thất trái giảm; bệnh lý hai thân động mạch vành với hẹp động mạch liên thất trước hơn 75% ở vùng trước chỗ chia nhánh động mạch liên thất đầu tiên.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân đồng thời cũng cần những sửa chữa khác trong tim như thay van tim, sửa chữa van tim, vòng van thì cũng nên chỉ định phẫu thuật bắc cầu thay vì đặt stent. Nhìn chung, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có phổ chỉ định rộng hơn so với đặt stent. Các bệnh nhân chỉ định đặt stent đều có thể là “ứng viên” của phẫu thuật bắc cầu.

4. Đối tượng chống chỉ định thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật sẽ không thích hợp ở các đối tượng có chức năng thất trái kém không đáp ứng được về huyết động, các buồng đã giãn lớn và khó hồi phục.

Các đối tượng có nguy cơ cao khi phẫu thuật hoặc thời gian sống ngắn, chất lượng cuộc sống đã kém.

Phẫu thuật không đạt được tính hiệu quả nếu bệnh nhân chỉ hẹp một đoạn ngắn trên một nhánh mạch vành đơn độc.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Giải pháp tối ưu giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim  - Ảnh 3.

Hình ảnh phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

5. Ưu điểm của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Chấm dứt các cơn đau thắt ngực, cảm giác hụt hơi và nặng ngực.

Giảm thiểu nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân trong trường hợp bệnh mạch vành đã nghiêm trọng (nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn, tâm thất trái bị suy yếu).

6. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành nguy hiểm không?

Giống như tất cả các phẫu thuật hay can thiệp tim mạch khác, phẫu thuật bắc cầu mạch vành cũng có những rủi ro biến chứng nhất định:

Thường gặp: Rối loạn tim, rung nhĩ. Trong đó tỷ lệ người bệnh bị rung nhĩ sau phẫu thuật tới 40%.

Ít phổ biến hơn: Nhiễm trùng vết mổ, chảy máu, suy chức năng nội tạng, suy thận (5%), thiếu máu cơ tim cục bộ, cơ tim suy yếu tạm thời, tràn dịch màng phổi, nhồi máu cơ tim (1%), tử vong (chủ yếu do người bệnh đã có bệnh lý nền khác trước đó).

Ngoài ra sau khi thực hiện phẫu thuật cầu mạch vành, người bệnh sẽ cần thời gian phục hồi tương đối lâu, từ vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian này, người bệnh có thể bị đau ở vết mổ, chán ăn trong khoảng vài tuần. Khoảng 1/3 người bệnh có thể bị trầm cảm sau khi mổ bắc cầu mạch vành.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Giải pháp tối ưu giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim  - Ảnh 4.

Hiện nay có 3 cách phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

7. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thực hiện thế nào?

Hiện nay có 3 cách phẫu thuật bắc cầu mạch vành: mổ truyền thống, mổ không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể và mổ xâm lấn tối thiểu.

7.1. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành truyền thống

Bác sĩ sẽ mở ngực theo xương ức, sau đó sẽ sử dụng máy tim - phổi nhân tạo để tạo tuần hoàn ngoài cơ thể. Trong quá trình phẫu thuật tim sẽ ngừng đập. Sau đó bác sĩ sẽ dùng một đoạn động mạch cẳng tay, lồng ngực, vú hoặc tĩnh mạch chân để ghép vào đoạn mạch vành cần bắc cầu.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành theo cách truyền thống thường kéo dài 4 - 6 tiếng. Sau phẫu thuật người bệnh sẽ cần nằm viện khoảng 4 - 5 ngày để theo dõi.

7.2. Mổ bắc cầu không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể

Đây là phương pháp phẫu thuật bắc cầu mới, giúp hạn chế các biến chứng do cắt xương ức và sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể của phương pháp mổ truyền thống.

Phương pháp này không cần ngừng tim trong quá trình phẫu thuật mà sẽ mở một đường nhỏ cạnh xương ức hoặc mở ở khe liên sườn, sau đó sẽ tiến hành nội soi hoặc nhờ sự trợ giúp của robot trong quá trình phẫu thuật.

Tuy nhiên vì tim vẫn đập và hoạt động trong quá trình mổ nên tim cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn nếu chẳng may bị thiếu máu tạm thời.

7.3. Mổ bắc cầu xâm lấn tối thiểu

Phương pháp này cũng có ưu điểm là không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể nên ít phải truyền máu, thời gian nằm viện ngắn hơn, chi phí thấp hơn. Tuy nhiên mổ bắc cầu xâm lấn tối thiểu sẽ khó thực hiện đối với trường hợp cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành nhiều nhánh, đặc biệt nếu cần thực hiện với các mạch máu mặt sau của tim.

8. Chi phí phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Chi phí phẫu thuật bắc cầu mạch vành là khoảng 100 - 120 triệu đồng cho 1 cầu. Bệnh nhân bắc nhiều cầu mạch vành, chi phí sẽ càng cao. Chi phí phẫu thuật cũng sẽ thay đổi tùy theo từng bệnh viện tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và bảo hiểm y tế.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Giải pháp tối ưu giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim  - Ảnh 5.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành.

9. Điều trị bệnh mạch vành ở đâu tốt?

Biến chứng sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành có thể đến từ nguyên nhân cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện phẫu thuật cũng như số năm kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Do đó người mắc thiếu máu cơ tim nên đến các bệnh viện uy tín có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị thích hợp.

10. Những điều nên làm sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Ngưng hút thuốc lá.

Uống thuốc đầy đủ và đúng liều.

Tập luyện thể thao thường xuyên, ở mức độ vừa phải.

Ăn uống lành mạnh.

Duy trì mức cân nặng lý tưởng

Tham gia các câu lạc bộ tim mạch để hiểu rõ hơn về các bệnh lý tim mạch và cách phòng ngừa.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạoPhẫu thuật bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo

SKĐS - Sáng 16/11/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn – Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK TW Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân suy tim do hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành bằng phương pháp bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo với mạch máu làm cầu nối toàn bộ bằng động mạch.

Xem thêm video đang được quan tâm

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


L.Vũ
(tổng hợp)
Ý kiến của bạn