Thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, có nhiều chính sách dân tộc về y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Một số chính sách về y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tích hợp vào Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.
Về nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, kể cả một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Các nguồn ODA để đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho các trạm y tế xã, tỉnh; đào tạo nguồn bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tiến sỹ, thạc sỹ y khoa phục vụ cho vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo…

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khám và tư vấn sức khỏe cho người dân. Ảnh BVCC
Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh về nhà cửa, trang thiết bị, nhân lực để có thể làm đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có giường để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, có vườn thuốc nam…
Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh triển khai Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030; ban hành Kế hoạch hành động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025; triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; thực hiện chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khoẻ, tầm vóc thanh, thiếu niên vùng dân tộc thiểu số...
Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ Y tế, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… cũng đã chủ động chú trọng đầu tư phát triển y tế cơ sở. Tại các địa phương, mạng lưới trạm y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng. Đội ngũ y bác sỹ từng bước được tăng cường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo công tác phòng dịch tại trường, lớp học vùng đồng bào DTTS&MN...
Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực y tế. Song song với đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở, hàng năm ngành y tế Quảng Ninh đều có chính sách cử hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế vùng DTTS&MN tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước; cử cán bộ tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới, duy trì các kênh phối hợp chia sẻ chuyên môn…