Y học gia đình phát triển theo sự phát triển của kinh tế xã hội và nguồn lực đầu tư cho y tế. Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế đang triển khai thực hiện nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.
Trên thế giới, ở nhiều quốc gia, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển và được người dân tin tưởng lựa chọn. Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
6 nguyên lý của y học gia đình.
Trên cả nước hiện có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản... Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và có thể kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân... Y tế cơ sở Việt Nam được tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới vì chúng ta có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã/phường, thậm chí tới cả y tế thôn bản.
Các chương trình đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) theo nguyên lý y học gia đình cho các đối tượng khác công tác tại trạm y tế xã bao gồm y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và cán bộ dược đã được Hội đồng thẩm định trong tháng 8/2018 và được Bộ Y tế phê duyệt theo QĐ số 114/QĐ-K2ĐT ngày 31/8/2017. Các chương trình đào tạo này có thời lượng từ 3-6 tuần (y sĩ: 6 tuần, điều dưỡng, hộ sinh: 4 tuần, cán bộ dược: 3 tuần) và tập trung vào việc bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành CSSKBĐ theo nguyên lý học gia đình để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển và nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Đã có nhiều chính sách để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở như: Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ quan điểm coi y tế cơ sở nền tảng, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được ban hành (Đề án 2348), chương trình hành động triển khai Quyết định 2348 và xây dựng hướng dẫn mô hình điểm cho trạm y tế của 26 xã, phường và Quyết định số 2559/QĐ-BYT ngày 20/4/2018 của Bộ Y tế về tăng cường quản lý và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã giai đoạn 2018 - 2020.
Y tế cơ sở là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn, trọng tâm là khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025 có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của CSSKBĐ, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Như vậy ngày càng khẳng định tính ưu việt của y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, gần với dân để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế và vì vậy người dân sẽ được tư vấn nhiều hơn, cụ thể và hiệu quả.