Việt Nam đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược liệu và nền YHCT, phục vụ CSSK cho nhân dân và khách du lịch
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục QLYDCT cho biết, Việt Nam có nhiều loại dược liệu quý, hiếm, vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc, dược liệu để phát triển nền YDCT. Việc nghiên cứu về cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh y nổi tiếng như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ Nam Dược thần hiệu viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ Lĩnh Nam bản thảo gồm 2 quyển: quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm... “Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 nước hàng đầu thế giới có hệ thống YHCT phát triển lâu đời và đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân. Phát triển YDCT và kết hợp với y dược hiện đại đang là mục tiêu và yêu cầu phát triển, nhất là sau đại dịch COVID-19”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo.
Cũng theo số liệu thống kê của Viện Dược liệu, Cục QLYDCT, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, sâm Ngọc Linh (hay sâm Việt Nam). Đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gene tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM). Hiện đã có 40 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO). Mỗi năm tiêu thụ khoảng 50-60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc YHCT, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Đó chính là những điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dược liệu và nền YHCT, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, CSSK cho nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng...
Bên cạnh đó, với thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. YDCT Việt Nam đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước...
Du lịch kết hợp tắm thuốc người Dao Đỏ là mô hình đang được ưa chuộng hiện nay.
Cần phát triển đồng bộ dịch vụ YDCT lồng ghép với du lịch
Bà Hoàng Hoa Lý, Chánh Văn phòng Cục QLYDCT cho hay, để phát huy thế mạnh của YDCT Việt Nam, thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị lồng ghép dịch vụ YDCT vào dịch vụ du lịch nhằm cung cấp các dịnh vụ CSSK cho khách du lịch kết hợp với quảng bá nền YDCT Việt Nam với du khách quốc tế. Các dịch vụ không chỉ đơn thuần là khám, chữa bệnh mà còn liên quan đến y - thực - trị, kết hợp tham quan các vùng trồng dược liệu, khám phá bản địa kết hợp với CSSK bằng các bài thuốc dân gian đặc trung vùng miền...
Tuy nhiên, theo bà Hoa Lý, việc phát triển dịch vụ YDCT lồng ghép với du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của YDCT. Chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ của YDCT mang tầm khu vực và quốc tế...
Theo TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), những năm gần đây loại hình du lịch CSSK đã được một số đơn vị lữ hành khai thác, tuy nhiên mới phổ biến ở việc sử dụng dịch vụ điểm đến cung cấp từ khai thác tài nguyên địa phương như tắm khoáng nóng, tắm bùn..., ít doanh nghiệp lữ hành đi sâu về YDCT. “Du lịch CSSK không đơn thuần là sử dụng sản phẩm tại chỗ, mà còn nhiều sản phẩm du khách có thể mang về. Do vậy, việc CSSK kết hợp tham quan tìm hiểu thực tế, thu mua sản phẩm để mang về sẽ đa dạng hóa dịch vụ, mang lại giá trị trải nghiệm phong phú, thiết thực cho doanh nghiệp và du khách”, bà Thảo nói.
“Đề án có giá trị thực tiễn cao” là ý kiến đồng thuận của các chuyên gia, doanh nghiệp dược liệu và lữ hành tại Hội thảo. Tuy nhiên, để Đề án sớm được phê duyệt và đi vào thực tế, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để “gỡ vướng” nhiều bề.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành nhiều năm hoạt động inbound và outbound, ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt cho rằng, sau COVID-19, du lịch CSSK bằng YDCT sẽ là xu hướng, do vậy cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành liên quan để triển khai. “Đối với khách inbound quan tâm CSSK sẽ liên quan đến chính sách visa vì phải đi lại nhiều lần, có người hỗ trợ khi đi chữa bệnh... nên cần có sự thống nhất với Bộ Công an về chính sách visa để tạo thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam theo loại hình du lịch này”, ông Kế nêu ý kiến.
Phó Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, du lịch CSSK đã được nhiều đơn vị triển khai như yoga, thiền, thực dưỡng, nhưng rất ít đơn vị tìm hiểu và chuyên về YDCT, do không nắm bắt được có những sản phẩm gì, tác dụng ra sao... “hiện du khách quốc tế sử dụng dịch vụ massage tại khách sạn cao cấp cũng là sản phẩm masage của nước ngoài đưa về chứ không phải của Việt Nam, do đó doanh nghiệp lữ hành rất mong muốn có sự hỗ trợ của y tế để nâng tầm sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là kết hợp sử dụng YDCT để tạo thành sản phẩm đặc trưng của Việt Nam”, bà Vân Anh bày tỏ.
Ở góc độ trực tiếp CSSK bệnh nhân bằng YDCT, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Trung ương Lê Mạnh Cường cho rằng, cần có sự chuẩn hóa về tiêu chuẩn, dịch vụ và tránh chồng chéo khi đi các bệnh viện YHCT được phép khai thác dịch vụ du lịch CSSK, ví dụ đơn vị này khai thác bấm huyệt, châm cứu, ngâm thảo dược thì đơn vị kia cung ứng chế phẩm...
Tuy nhiên, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng VCTC cho rằng, đưa du khách vào CSSK tại bệnh viện là rất khó khả thi bởi “mong muốn của hầu hết du khách là trải nghiệm giá trị bản địa, chứ không phải trong các cơ sở y tế”, ông Quỳnh nói.
Chia sẻ ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng Trần Huyền Thanh cho rằng, trường hợp khách CSSK tại bệnh viện thì tiêu chuẩn phải cao cấp như khách sạn cao sao; và để kết hợp được cũng rất khó cho phía bệnh viện vì khung giá nhà nước quy định, trong khi đó doanh nghiệp rất cần cơ chế mềm dẻo, linh hoạt...
Một vấn đề nổi cộm được phản ánh tại Hội thảo, đó là việc công bố tiêu chuẩn của sản phẩm YDCT, mặc dù hiển nhiên ai cũng biết là tốt, có tác dụng như trà thảo dược, gừng..., nhưng theo quy định của Cục QLCLSP khi đóng gói sản phẩm không được phép ghi tác dụng dược tính (do thuộc nhóm hàng nông sản), đây là điều cực kỳ khó đối với doanh nghiệp dược liệu, YHCT... khi bán giới thiệu, bán sản phẩm cho khách du lịch...
“Đây là đề án lớn, liên quan nhiều ngành, do đó cần sự cẩn trọng, triển khai theo lộ trình để có thể trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất”, Lãnh đạo Cục QLYDCT khẳng định.