Tỉnh Quảng Nam có nhiều khu vực thuộc miền núi, tại các khu vực này đã hình thành nên các vùng dược liệu nổi tiếng. Nổi bật như ở huyện Nam Trà My, với cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My, hay tại huyện Tây Giang với các loại dược liệu như sâm ba kích, đẳng sâm...
Ngoài cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật có khả năng làm nguyên dược liệu. Đáng kể là ba kích, đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam… phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn.
Với nhiều loài cây dược liệu khác nhau ở các vùng rừng núi trên địa bàn, Quảng Nam đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân. Trong đó, du lịch vùng dược liệu đang được chính quyền địa phương quan tâm và thúc đẩy phát triển.
Hiện nay, mô hình trồng các vùng chuyên canh (rau, hoa, cây dược liệu quý, cây công nghiệp ngắn ngày…) nhằm cung cấp các sản phẩm sạch cho thị trường. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Tại huyện Nam Trà My, nhận thấy phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái, là tiềm năng để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí, xây dựng 10 mô hình dược liệu và du lịch, tạo điều kiện cho người dân phát triển vùng dược liệu gắn với hoạt động du lịch.
Từ các phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng (trước kia là hàng năm) được tổ chức tại huyện, không chỉ mang về hàng chục tỷ đồng từ bán dược liệu, mà còn thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các vườn sâm, mang lại nguồn lợi kinh tế từ du lịch vùng dược liệu.
Cùng với các phiên chợ sâm, huyện Nam Trà My đã đầu tư, xây dựng nhiều điểm, cơ sở du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong đó, phải kể đến vườn sâm Ngọc Linh - Tắk Ngo. Vườn sâm này có diện tích hơn 70 ha tại thôn 1 và thôn 2 xã Trà Linh.
Khi đến đây, du khách không chỉ được tham quan những dãy núi, thác suối đẹp, khám phá những khu rừng nguyên sinh, đi dưới tán rừng... mà còn được trải nghiệm quá trình phát triển của sâm Ngọc Linh qua từng giai đoạn, từ ươm giống đến khi trưởng thành. Du khách đến với vườn sâm Ngọc Linh - Tắk Ngo còn được cung cấp thông tin để có thể phân biệt được đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là sâm giả.
Bên cạnh phát triển dược liệu, huyện Nam Trà My cũng đã tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc, xây dựng các điểm đến và quảng bá thương hiệu du lịch của huyện. Đây là cơ hội để huyện đầu tư, phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang hướng đến việc, mời gọi doanh nghiệp du lịch đến đầu tư kinh doanh tại các vùng trồng dược liệu. Thông qua việc phát triển cây dược liệu, loại hình du lịch trải nghiệm sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho kinh tế địa phương và cũng là cầu nối đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Xem thêm video được quan tâm:
Mất 1 bên thận do tự ý dùng thuốc Nam chữa bệnh.