Phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ

02-11-2023 06:25 | Y học cổ truyền

SKĐS - Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều địa phương tại Tuyên Quang đã hình thành nên các vùng dược liệu tập trung, gắn với tiêu thụ

Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… 

Cây dược liệu tại Tuyên Quang có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương.

Phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ - Ảnh 1.

Mô hình trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng phát triển rất tốt trên địa bàn xã Thái Sơn (Hàm Yên).

Ảnh: Báo Tuyên Quang

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên được 1.200 ha; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trồng được 300 ha. Mở rộng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen, cà gai leo. Tỉnh cũng đã hình thành được 11 mô hình liêu kết trồng cây dược liệu và bao tiêu sản phẩm…

Lâm Bình là một trong những huyện đã và đang triển khai mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiệu quả của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có khoảng100 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với rất nhiều loại dược liệu được người dân lấy từ tự nhiên về trồng như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, thảo quả… 

Hàng trăm năm nay, người Dao đỏ xã Bình An (Lâm Bình) vốn nổi tiếng với những bài thuốc nam gia truyền chữa các loại bệnh về gan, thận, phổi, thuốc lá tắm... Trước đây các ông lang, bà mế người Dao thường lên rừng tìm lá thuốc, qua thời gian nguồn tài nguyên đó dần cạn kiệt. Và người khởi phát trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng thuận tự nhiên không ai khác là những người trẻ nơi đây.

Trên cơ sở xác định được tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu tại địa phương, huyện Lâm Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển vùng dược liệu quy mô; hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng và tiến tới thành lập làng nghề thuốc truyền thống tại xã Phúc Yên. Phát triển triển cây dược liệu sẽ tạo thêm sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch - nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Còn tại huyện Sơn Dương, xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ, vận động người dân tại một số xã trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Mặc dù cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng một số cây nông nghiệp, song việc phát triển loại cây này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, chủ yếu mang tính tự phát; việc thu hái thiếu ý thức bảo tồn, tái sinh đã làm suy giảm tài nguyên cây thuốc trong tự nhiên; thị trường đầu ra chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến dược liệu tại các tỉnh còn ít, thiếu nhân lực kỹ thuật cao; chưa có cơ sở chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu...

Do đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung xác định chi tiết vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu; thực hiện tái cơ cấu các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP-WHO; hình thành vùng trồng, thu hái dược liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; khuyến khích các địa phương linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

COVID-19 sang nhóm B, Bộ Y tế dừng cung cấp bản tin dịch hàng ngày từ 1/11COVID-19 sang nhóm B, Bộ Y tế dừng cung cấp bản tin dịch hàng ngày từ 1/11

SKĐS - Thông tin từ Bộ Y tế chiều 1/11, do COVID-19 chuyển sang nhóm B nên Bộ Y tế dừng cung cấp bản tin dịch COVID-19 hàng ngày kể từ hôm nay.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn