Hà Nội

Phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu tại Quảng Ngãi

20-09-2023 10:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Để phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh

Tăng tính đa dạng sinh học từ cây dược liệuTăng tính đa dạng sinh học từ cây dược liệu

SKĐS - Bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây dược liệu là hoạt động cần được triển khai nhằm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, bảo tồn tính đa dạng sinh học rừng cũng như giải quyết sinh kế cho người dân từ lâm sản ngoài gỗ.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như nghệ, gừng gió, sâm đương quý, sâm bảy lá, địa liền, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên. Hầu hết, các vườn cây dược liệu phát triển tốt. Một số cây như gừng gió, địa liền đã bắt đầu cho thu hoạch.

Tại huyện Trà Bồng, quế là cây dược liệu được người dân trồng theo hướng chuyên canh với diện tích hơn 5.000ha. Quế Trà Bồng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, 17 sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngoài quế, gần đây, huyện miền núi này còn triển khai thử nghiệm một số loài cây dược liệu mới ở thôn Tà Ót (xã Trà Tân) với quy mô 3.500m2 cây đương quy và 1.000m2 cây cát cánh.

Ở huyện Trà Bồng, những đỉnh núi nằm trong khu vực xã Trà Tân, Hương Trà, Trà Bùi, Trà Tây… có điều kiện rất phù hợp để các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta cát cánh hay đương quy có thể cho thu hoạch 100 triệu đồng/vụ trong năm.

Phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu tại Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu.

Để phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh. Cụ thể, định hướng đến năm 2025, phát triển 14,5ha cây đinh lăng, nghệ, gừng, ba kích, kim tiền thảo tại huyện Mộ Đức; 15ha ba kích, sa nhân tại huyện Ba Tơ; hơn 46ha ba kích, đinh lăng tại huyện Sơn Hà; 3.600ha quế tại huyện Trà Bồng... 

Qua đó, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Việc phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng. Đồng thời, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển vùng dược liệu quý, phát triển nghề rừng, thay đổi phương thức sản xuất; hỗ trợ người dân vùng dự án phát triển kinh bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. 

Đây cũng là cơ sở để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa bền vững; đổi mới phương thức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung canh tác ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân tại địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Xem thêm video được quan tâm:

Loại Thảo Dược "Quý Hơn Vàng" Giúp Chị Em Bồi Bổ, Dưỡng Nhan | SKĐS


Thành Long
Ý kiến của bạn