Hà Nội

Phát triển trồng cây thuốc giúp đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường

01-10-2023 08:25 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen, lưu giữ tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen là rất cấp thiết.

Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền. Dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Chính vì vậy, dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Hiện, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh.

Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.

Tuy vậy, sự đa dạng về nguồn gen đang bị suy giảm, đe dọa nghiêm trọng và mai một, mất dần của các tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen trong chăm sóc sức khỏe. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen, lưu giữ tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen là rất cấp thiết.

Một mạng lưới bảo tồn đại diện cho các vùng sinh thái đã được xây dựng. Tại vùng núi cao phía Bắc, địa điểm bảo tồn là Trạm cây thuốc Sa Pa (Lào Cai). Vùng núi và trung du phía bắc, địa điểm bảo tồn là Tam Ðảo (Vĩnh Phúc). Vùng đồng bằng Bắc Bộ, địa điểm bảo tồn là Viện Dược liệu, Ðại học Dược Hà Nội, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật. Vùng Bắc miền Trung, địa điểm bảo tồn là Thanh Hóa. Vùng Tây Nguyên, địa điểm bảo tồn là Ðà Lạt (Lâm Ðồng, Kon Tum, Quảng Nam). Vùng đồng bằng sông Cửu Long, địa điểm bảo tồn là Mộc Hóa (Long An).

Phát triển trồng cây thuốc giúp đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Nhờ trồng cây Atiso nhiều hộ dân ở Lâm Đồng đã thoát nghèo bền vững.

Tại các địa điểm đó, hơn 700 loài và giống cây thuốc đã được bảo tồn an toàn theo các phương thức thích hợp. Đáng chú ý, 3 loài đã trở thành dự án sản xuất và phát triển ở quy mô hàng hóa, là sâm Ngọc Linh phát triển trồng hàng chục hec ta ở Quảng Nam và Kon Tum. Cây ngũ gia bì hương đã phát triển trên nương của các gia đình nông dân Phó Bảng và Quản Bạ (Hà Giang). Cây chóc máu được lập dự án phát triển để khai thác dược liệu và đang chuẩn bị đề xuất các dự án phát triển ở quy mô lớn.

Phát triển trồng cây thuốc giúp đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường

Trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa là một nghề khá mới. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn, thay thế cây lúa, ngô cho năng suất kém để xóa nghèo bền vững. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loại cây dược liệu như: tam thất, atiso, chè dây, cây đương quy, cây xuyên khung… Qua đó, vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng "mũi nhọn", hướng đến nâng cao giá trị canh tác.

Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hiện vào khoảng trên 3.900 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.300ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.600ha). Thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha; trong đó, đặc biệt cây tam thất giá trị đạt trên 600 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh Lào Cai đã có 138 ha với 11 loại cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO "thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc".

Mở rộng và đưa dược liệu trở thành cây trồng chủ lực không chỉ là hướng đi đúng của tỉnh Lào Cai trong tái cơ cấu nông nghiệp, mà còn là của tỉnh Hà Giang. Được sở hữu nguồn dược liệu quý hiếm, Hà Giang đã có những chính sách thu hút DN đầu tư, cũng như nhiều ưu đãi về đất đai, giống, vật tư, phân bón cho người dân, thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây dược liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Từ những mô hình trồng nhỏ lẻ, hiện tỉnh Hà Giang đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu lên tới 7.939 ha với hơn 1.000 loài dược liệu, gồm: thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện… phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh. Địa phương cũng xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) với mức đầu tư dự án hơn 28 tỷ đồng.

Tỉnh Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc trồng cây dược liệu. Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho thấy, tổng diện tích sản xuất cây dược liệu tại địa phương vào khoảng 332ha với tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn. Trong đó, khoảng 263ha cây dược liệu được trồng trên đất nông nghiệp, 68ha trồng dưới tán rừng.

Theo kết quả điều tra đánh giá tại một số vùng trong cả nước, nuôi trồng sản xuất dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có thể thu nhận trên 100 triệu đồng/ha. Phát triển trồng cây thuốc đã giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.


PV
Ý kiến của bạn