Hà Nội

Phát triển trí não tốt cho trẻ hơn qua 4 khía cạnh then chốt

02-06-2014 09:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Ở mỗi giai đoạn phát triển trí não, trẻ phải đạt được các kỹ năng nhất định: trí thông minh, vận động, cảm xúc và giao tiếp.

Thước đo của sự phát triển trí não trẻ

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Anh, ở mỗi giai đoạn phát triển của mình, trẻ phải đạt được các kỹ năng nhất định trong 4 khía cạnh then chốt gồm: trí thông minh, vận động, cảm xúc và giao tiếp. Theo ngôn ngữ khoa học, đây chính là các cột mốc mà dựa vào đó, nhà chuyên môn có thể đánh giá được mức độ phát triển trí não của trẻ. Mẹ có thể dựa vào các cột mốc này để theo dõi sự phát triển trí não của con mình.

Tiến sĩ tâm lý Minh Anh đã giải thích chi tiết:

Trí thông minh: liên quan đến quá trình suy nghĩ cũng như sự tiếp nhận và xâu chuỗi các thông tin, đưa ra phán đoán, xác định vấn đề và xử lý tình huống của trẻ. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi đã phải thực hiện được các hành động như: nhận biết hình dáng của đồ vật quen thuộc như đồ chơi, gương mặt của người thân và tên gọi thường ngày… Trẻ trên 1 tuổi có thể tìm kiếm đồ vật mà mẹ cất giấu, hoặc chỉ đúng tên đồ vật mà mẹ đã gọi tên hay bắt chước được khá nhiều hành động của người lớn…

Vận động: liên quan đến sự phối hợp vận động của cơ thể. Khi trẻ được phát triển trí não tốt hơn thì các kỹ năng vận động cũng trở nên nhịp nhàng, linh hoạt hơn. Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ từ 6 - 9 tháng đã có thể chuyển tư thế từ ngồi sang lẫy hoặc bò, hoặc đứng chập chững với sự trợ giúp và cử động nhiều hơn các ngón tay. Theo chương trình giáo dục mầm non hiện tại, trẻ từ 18 tháng - 24 tháng đã phải đạt được các kĩ năng vận động như: đi trong đường hẹp, đi trên đường thẳng hoặc bước qua được các chướng ngại vật…

Cảm xúc: liên quan đến sự tương tác như mỉm cười, chơi các trò chơi, bắt chước và nhận biết cảm xúc của người khác. Khi được 6 tháng, trẻ bắt đầu cảm nhận được tình cảm của cha mẹ và cũng thể hiện được tình cảm của mình nhiều hơn. Giai đoạn này có thể cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với người lạ và cũng biết cách thể hiện niềm vui hay sự không hài lòng bằng âm thanh. Trẻ từ 15 tháng đã biết thể hiện sự thích thú nghiêng về một vài món đồ chơi hoặc thể hiện tình cảm rõ ràng với những người bé thích hoặc không thích. Từ 18 tháng, trẻ cũng đã thể hiện xu hướng thích chơi cùng với những bé khác.

Giao tiếp: liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, tương tác với người khác. Theo cột mốc đánh giá, trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi đã phải thực hiện được các hành vi biểu cảm đơn giản như lắc đầu/ gật đầu thể hiện sự phản đối/ đồng ý; nói được vài từ và có thể phát âm đôi như “ba ba”, hoặc “ma ma”. Trẻ từ 12 - 18 tháng cần được tập nói những câu đơn giản, và có thể bắt chước câu nói của người lớn.

Giáo dục và dinh dưỡng - 2 yếu tố quan trọng giúp bé phát triển trí não tốt hơn

“Điều kỳ diệu là phụ huynh hoàn toàn có thể tương tác để giúp bé phát huy tối đa khả năng tư duy, học hỏi, giúp bé phát triển toàn diện 4 khía cạnh then chốt gồm trí thông minh, vận động, cảm xúc và giao tiếp” - tiến sĩ tâm lý Minh Anh nhận định.

Theo đó, sự giáo dục với những tương tác cụ thể chính là bài tập rèn luyện. Bé có thể đạt được các kỹ năng sớm hơn hoặc nhiều hơn nếu có sự tương tác và luyện tập đúng mức độ, khoa học và hiệu quả. Trong những năm đầu đời, não trẻ luôn phát triển không ngừng, chính vì thế mà khả năng học hỏi của bé hoàn toàn có thể được nâng cao. Giáo dục đúng cách với những tương tác thông minh tác động lên từng chức năng là cách mà mẹ có thể thực hiện để giúp bé phát triển trí não tốt hơn.

Cùng với giáo dục, dinh dưỡng được xem là “chìa khóa” để phát triển toàn diện trí não. Để não bộ của bé hoạt động tốt, duy trì các quá trình tư duy, xâu chuỗi thông tin và điều khiển các hoạt động thuộc 4 khía cạnh then chốt, thì não bộ phải được cung cấp dinh dưỡng đúng cách, đầy đủ và khoa học. “Bổ sung dinh dưỡng đúng và hợp lý kết hợp với các tác động thông minh giúp trẻ phát triển trí não tốt hơn qua 4 khía cạnh then chốt. Dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, kiến tạo não và cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho trí não phát triển, tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin hiệu quả, tăng cường khả năng tư duy, ghi nhớ, nhận biết và xâu chuỗi các thông tin…”, BS. Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết.

Cùng với các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển não bộ khác như sắt, choline, kẽm, các vitamin B thì DHA đóng vai trò cốt lõi, được xem là dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não. DHA giúp gia tăng gia tăng kết nối của các tế bào thần kinh, giúp hệ thần kinh hoạt động thống nhất và hoàn thiện hơn. DHA giúp tạo nền tảng vững chắc để trí não hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao khả năng học hỏi của bé. “Theo khuyến cáo của FAO/WHO, trẻ dưới 1 tuổi cần bổ sung DHA với hàm lượng đúng là 17mg DHA /100kcal và trẻ từ 1 tuổi trở lên cần bổ sung 75mg DHA mỗi ngày. Rất nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trên thế giới đã chứng minh việc bổ sung DHA với hàm lượng đúng khuyến nghị sẽ cải thiện khả năng tư duy, học hỏi trong những năm đầu đời” - BS. Thu Hậu nhận định.

An Nhiên


Ý kiến của bạn