Hà Nội

Phát triển thành công vắc xin COVID-19: Khẳng định năng lực đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân

26-02-2021 21:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Việc phát triển thành công vắc xin COVID-19 trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế; đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn chủ động trong phòng chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vắc xin nhập khẩu.

Chiều 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

DDN_2374

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc, lời cảm ơn, sự tri ân chân thành đến tất cả các thầy thuốc, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và nhấn mạnh: Ngành Y tế Việt Nam có truyền thống rất đáng tự hào. Sự cống hiến, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong hơn 1 năm chống dịch COVID-19 càng làm vẻ vang thêm truyền thống đó      Ảnh: Đình Nam

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc, lời cảm ơn, sự tri ân chân thành đến tất cả các thầy thuốc, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đây là những người đã luôn luôn quên mình, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đặc biệt trong dịch COVID-19 xảy ra suốt hơn 1 năm qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành Y tế Việt Nam có truyền thống rất đáng tự hào. Sự cống hiến, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong hơn 1 năm chống dịch COVID-19 càng làm vẻ vang thêm truyền thống đó. Thế giới ghi nhận, đánh giá cao thành tựu chống dịch của Việt Nam, trong đó vai trò quan trọng hàng đầu của các thầy thuốc”.

Phó Thủ tướng mong muốn, người dân Việt Nam thể hiện sự tri ân chân thành, thiết thực nhất đến tất cả các thầy thuốc, lực lượng chống dịch bằng cách thực hiện tốt tất cả các khuyến nghị của ngành Y tế, chung tay phòng, chống dịch”.

Tình hình dịch bệnh ở trong nước đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến 11 giờ ngày 26/2, thế giới ghi nhận hơn 113,5 triệu ca mắc, hơn 2,5 triệu ca tử vong do dịch COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, tỷ lệ trung bình dân số thế giới đã tiêm 1 liều vắc xin đạt 2,72%. 

Tại Việt Nam, từ ngày 25/1 đến nay đã ghi nhận 829 ca mắc trong nước, trong đó, 12/13 tỉnh, thành phố có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0); 10/13 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước, tình hình dịch bệnh ở trong nước đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố.

Các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết, không để xảy ra tình huống phức tạp về dịch bệnh. Ngành Y tế và các địa phương khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh .

So sánh ổ dịch tại Hải Dương (1/2021) và Đà Nẵng (tháng 7/2020), đại diện Bộ Y tế cho biết, ổ dịch ở Hải Dương đã diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc COVID-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố liên quan; thực hiện xét nghiệm 340.217 mẫu; truy vết hơn 15.000 ca F1.

Tại Đà Nẵng, sau 36 ngày, địa phương này không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc COVID-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố; xét nghiệm 384.613 mẫu; truy vết hơn 11.000 ca F1. Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương (biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng (Biến thể châu Âu D614G).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo báo cáo của Bộ Y tế và các địa phương, tình hình dịch trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Sau 1 tháng phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 27/1, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên, ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) cơ bản được kiểm soát sau 6 ngày; ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) cơ bản được kiểm soát sau 8 ngày. 

Theo các chuyên gia, theo dữ liệu cho thấy, vào thời điểm phát hiện ổ dịch Vân Đồn (Quảng Ninh) và ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) - trung tuần tháng 1 - trên thực tế đã có các ổ dịch khác: Ổ dịch Sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh); ổ dịch ở Cẩm Giàng; chưa kể đến trường hợp chuyên gia người Nhật tử vong mang chủng virus mới (nhiễm biến thể 20C của virus SARS-CoV-2); trường hợp ở Hải Dương mang chủng virus đang gây lây nhiễm ở Nam Phi.

hai duong

Qua nhận định nêu trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nước có dân số đông, biên giới rộng, kinh tế mở…, thực hiện chính sách mục tiêu kép, do đó, không loại trừ khả năng cộng đồng đã có mầm bệnh. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh tinh thần “luôn luôn cảnh giác”.

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo phân tích rõ, năng lực phản ứng của Bộ Y tế, ngành Y tế, chính quyền, các lực lượng các cấp được nâng lên rất rõ. Qua ổ dịch Chí Linh cho thấy, chủng virus này lây nhanh hơn, xuất hiện ở trong khu công nghiệp – nơi tập trung nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín; tại ổ dịch Cẩm Giàng, dịch bệnh xuất hiện trong quán karaoke là dư địa thuận lợi cho virus lan truyền.

Ban đầu, các địa phương như Hải Dương, Gia Lai chưa thực sự chủ động ngay về năng lực xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch. Nhưng rất nhanh sau đó, các địa phương có ngay biện pháp khắc phục. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Y tế và chính quyền các cấp trong thời gian vừa qua.

Qua mỗi 1 đợt dịch, các chuyên gia cho rằng, việc đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống dịch tốt hơn. Điển hình, đợt chống dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh ở bệnh viện trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để đút rút lại, bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh. 

Không chủ quan khi có vắc xin, tiếp tục thực hiện nghiêm ý thức phòng chống dịch, tuân thủ 5 K

Đồng tình với nhận định của các chuyên gia, Thường trực Ban Chỉ đạo trong cách chống dịch tiết kiệm của nước phát triển như Việt Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, chiến lược 5 bước (Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả) được áp dụng hiệu quả trong đợt chống dịch vừa qua, cần kiên trì thực hiện.

“Qua bài học trong đợt chống dịch ở Hải Dương và những lần trước đó, chúng ta kiên trì và hoàn thiện nguyên tắc này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó”- Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Theo đó, trường hợp chủng mới lây lan nhanh hoặc dẫn đến rủi ro cao, có thể áp dụng các biện pháp “phong tỏa trong phong tỏa” như Hải Dương đã thực hiện. “Vòng trong” truy vết nhỏ nhưng chặt, “vòng ngoài” phong tỏa tạm thời ở quy mô rộng hơn. Sau khi xác định yêu sốt rủi ro sẽ dỡ phong tỏa ngoài để chống dịch nhưng cũng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xáo trộn đời sống người dân.

Phó Thủ tướng đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế, trong cuộc phòng, chống dịch, vắc xin là công cụ hữu hiệu nhất. Thực tế, các nước trên thế giới triển khai vắc xin ngừa COVID-19 mang lại hiệu quả. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã rất tích cực mua, nhập khẩu vắc xin; nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế. Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai trên thực tiễn, tổ chức tiêm vắc xin theo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý kiến của các chuyên gia, không chủ quan khi đã có vắc xin. Bởi khoảng cách giữa mũi vắc xin 1 (chưa sinh kháng thể ngay) và mũi thứ 2 dài, coi như chưa được tiêm vắc xin; trong khi chưa thể tiêm cùng lúc cho tất cả mọi người dân Việt Nam.

Trước những thông tin không chính thức về hiệu quả của vắc xin Astrazeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, độ đặc hiệu của vắc xin này đạt từ 80% trở lên. 

So với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhưng “vẫn là vùng trũng, phải bao đê cho chặt”. Kể cả khi có vắc xin, Phó Thủ tướng khuyến nghị mọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

DDN_2354

Ảnh: VGP/Đình Nam

Thử nghiệm vắc xin trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, nhanh nhất và chắc chắn nhất có thể”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam. Sáng 26/2, một trong ba vắc xin đang được phát triển ở Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 2. 

Phó Thủ tướng đề nghị, việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, nhanh nhất và chắc chắn nhất có thể”. Đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng. Theo thông tin ban đầu, vắc xin chỉ sinh ra kháng thể (khả năng phòng bệnh) trong một thời gian nhất định.

Do đó, nhiều khả năng người dân đều phải tiêm nhắc lại hằng năm, không phải chỉ tiêm 1 lần. Việc phát triển thành công vắc xin trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế; đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn chủ động trong phòng chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vắc xin nhập khẩu.

“Hai đợt dịch trước nhiều bạn bè quốc tế bày tỏ sự ngạc nhiên, đánh giá cao kết quả dập dịch của Việt Nam. Đợt dịch thứ ba, dù khó khăn hơn rất nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, chúng ta đã cơ bản chiến thắng đợt dịch thứ ba”- Phó Thủ tướng chia sẻ, đồng thời lưu ý “mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch, chưa thắng cả cuộc chiến”.


Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. “Không ai có thể chắc chắn, Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với ‘kẻ địch’ này nếu kiên trì chiến lược chống dịch từ đầu, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân”.



Thái Bình
Ý kiến của bạn