Phát triển NƠXH 'nghẽn' do khó tiếp cận vốn, các gói tín dụng giải ngân thấp

28-10-2024 15:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023" của Kỳ họp thứ 8, nhiều ĐBQH cho rằng, một trong những lý do khiến NƠXH chưa phát triển mạnh do việc tiếp cận, giải ngân tín dụng thấp.

Mọi nhà đầu tư đều rất cần vốn

ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, giai đoạn sau COVID-19 thị trường BĐS giảm mạnh, doanh nghiệp neo giá cao chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng. BĐS gần như đóng băng. Ông Hòa cũng chỉ rõ, nguyên nhân do chính sách về tài chính, ngân hàng, đất đai cho NƠXH chưa khuyến khích cho nhà đầu tư, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chậm giải ngân…

Ông Hòa nhấn mạnh: "Mọi nhà đầu tư đều rất cần vốn nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Vay cao nên bán cao, đối tượng được mua rất khó khăn tiếp cận vì không đủ nguồn tiền để chi trả hằng tháng". Bên cạnh đó, vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng vay còn nhiều thủ tục rườm rà.

Phát triển NƠXH 'nghẽn' do khó tiếp cận vốn, các gói tín dụng giải ngân thấp- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, tại báo cáo có chỉ rõ, nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN cho các chương trình tín dụng ưu đãi NƠXH còn thấp; quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp, mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện KT-XH.

Đến nay, chúng ta đã triển khai 7 chương trình thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ NƠXH với tổng nguồn vốn lên tới 159.000 tỷ, nhưng việc tiếp nhận, giải ngân các gói tín dụng còn rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phát triển NƠXH hiện nay.

Phát triển NƠXH 'nghẽn' do khó tiếp cận vốn, các gói tín dụng giải ngân thấp- Ảnh 2.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Cùng chia sẻ về việc phát triển NƠXH thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, một trong những nguyên nhân đó là phần lớn các doanh nghiệp BĐS nhỏ, vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12-14%.

Còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN tập trung chỉ đạo cho Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua NƠXH với thời hạn có thể 10 đến 20 năm, lãi suất ưu đãi thấp từ 3% đến 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội và có động lực để mua nhà ở.

Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng và minh bạch thị trường BĐS, ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng có một số dự án cùng một ngân hàng, "tay trái" thì cho chủ đầu tư vay để xây dựng dự án, "tay phải" lại cho khách hàng vay. Theo ông Huân, điều này không đảm bảo tính minh bạch, có thể tạo xung đột lợi ích.

Phát triển NƠXH 'nghẽn' do khó tiếp cận vốn, các gói tín dụng giải ngân thấp- Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

"Nếu "tay phải" dừng cho người dân vay tiền khiến không có tiền trả tiền cho dự án thì chủ đầu tư mất tính thanh khoản. Khi đó dự án sẽ không vận hành theo cơ chế thị trường nữa", ông Huân nói. Để tạo ra thị trường minh bạch, theo ông Huân cần tập trung vào tín dụng và mua bán giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Phát triển NƠXH 'nghẽn' do khó tiếp cận vốn, các gói tín dụng giải ngân thấp- Ảnh 4.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu.

Giải trình ý kiến ĐBQH nêu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tế, tín dụng vào lĩnh vực BĐS tăng rất nhanh và trong thời gian qua tăng trưởng tín dụng của BĐS cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án BĐS có kỳ hạn dài.

Về tín dụng NƠXH, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành tập trung các cái giải pháp để phát triển NƠXH, kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng, xóa nhà tạm, dột nát. "Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển NƠXH thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước…", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói.

ĐBQH kiến nghị cần biện pháp mạnh kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đấtĐBQH kiến nghị cần biện pháp mạnh kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất

SKĐS - Sáng 28/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023".


Lê Bảo
Ý kiến của bạn