Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng. Nhiều loài cây dược liệu quí như thiên niên kiện, kê huyết đằng, bình vôi, diệp hạ châu, ngũ sắc, bảy lá 1 hoa... Tuy nhiên, hiện nay, cùng với nạn khai thác rừng bừa bãi là sự mất đi nguồn tài nguyên tự nhiên. Những loài cây dược liệu quí, hiếm của tỉnh có trong Sách đỏ Việt Nam đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có chính sách đầu tư, bảo tồn thích đáng. Vì vậy, xây dựng mô hình trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá đang trở thành hướng đi mới vừa mang ý nghĩa xã hội to lớn, vừa giải quyết bài toán kinh tế rừng.
Theo các nhà nghiên cứu dược học, xu hướng tới đây của thế giới là dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên vì nó có tác dụng trị liệu cao, không gây tác dụng phụ. Gần đây, một số cây thuốc như: Kim tiền thảo, ích mẫu, diệp hạ châu, chè dây, chè đắng được các công ty dược chế biến thành các loại thuốc phòng, trị các bệnh đặc hiệu có hiệu quả tốt. Hiện một số cây thuốc quý của Vĩnh Phúc đã được khai thác để bán thô cho Trung Quốc với giá thu mua khá cao, từ 30.000 đồng đến 700.000đồng/kg, trong khi đó cả nước đang phải nhập đến 80% lượng đông nam dược có nguồn gốc từ các dược liệu đó. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có một đơn vị nào được giao hoặc chủ động trong việc trồng thử và chế biến các cây thuốc quý. Việc nghiên cứu thành phần hoạt chất, kỹ thuật nhân giống và công nghệ chế biến các loại thuốc đặc hữu cũng chưa đầy đủ, nhất là chưa có mô hình trồng cây thuốc nào để tạo ra sản phẩm có giá trị, lợi ích kinh tế, đem lại lợi ích xã hội cho tỉnh.
Mặc dù tiềm năng đất đai dồi dào, đặc biệt ở các huyện trung du, miền núi của tỉnh, nhưng việc lựa chọn cây trồng phù hợp vẫn là vấn đề nan giải, đặc biệt là các đối với cái loại cây dược liệu có giá trị kinh tế và tiêu thụ tốt như : Ba kích, sa nhân tím... Việc triển khai thực hiện mô hình trồng và chế biến cây dược liệu ngoài tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy người dân biết áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá còn góp phần kích thích họ quan tâm hơn đến việc phát triển vốn rừng ; thay đổi cách nghĩ, cách làm trong khai thác rừng để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất dược liệu và phục vụ công nghiệp chế biến của địa phương ; từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Trong danh mục 100 loài cây dược liệu có thế mạnh dự kiến tập trung khai thác, phát triển tạo sản phẩm hàng hoá giai đoạn 1996 - 2010 của Tổng Công ty Dược Việt Nam có 73 loài được đưa vào trồng, chỉ còn 27 loài là thu hái ngoài tự nhiên. Trong số các loài nhập nội, đã di thực và trồng thành công tại Sa Pa 24 loài. Điều này nói lên thế mạnh về khí hậu vùng núi cao của các tỉnh phía bắc, trong đó có Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, và một số huyện miền núi thấp của Vĩnh Phúc như Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô. Xu thế trồng dược liệu thay thế thu hái tự nhiên ngày càng trở nên hợp lý bởi tính ổn định về sản lượng và sự đồng nhất về chất lượng của sản phẩm.
Kế thừa các kết quả nghiệm thu cấp nhà nước từ các dự án trước ở Sa Pa, từ năm 2011, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc và Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ tiến hành phối hợp với các Viện nghiên cứu chuyên ngành xây dựng dự án "Xây dựng mô hình trồng và chế biến cây dược liệu theo sản xuất hàng hoá ở một số huyện miền núi thấp của tỉnh Vĩnh Phúc" trình Bộ KH&CN phê duyệt. Sau khi đi khảo sát thực địa, dự án chọn một số cây thuốc có giá trị, đã qua khảo nghiệm thành công ở Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang và vùng trung du Bắc bộ, có thị trường ổn định để xây dựng mô hình cho vùng và các xã khác trong tỉnh làm theo, phấn đấu đưa tổng thu nhập từ sản xuất dược liệu, nông, lâm nghiệp theo mô hình đạt 35 - 40 triệu đồng/ha canh tác. Dự án lựa chọn 5 cây thuốc cơ bản trong danh mục các vị thuốc cổ truyền thiết yếu do Bộ Y tế quyết định đưa vào mô hình trồng và chế biến, gồm 2 cây nhập nội là đương quy và ngưu tất và 3 loài bản địa là ba kích, diệp hạ châu, sa nhân tím. Những cây thuốc đang có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định. Dự án được xây dựng trên quy mô 20ha ở 2 huyện Lập Thạch và Tam Đảo.
Dự án lựa chọn Trung tâm Lâm nghiệp Đông Bắc bộ,Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT là đơn vị chuyển giao công nghệ. Về công nghệ chế biến dược liệu sau thu hoạch và chiết xuất một số dược liệu, dự án sẽ đưa kỹ thuật chế biến sau thu hoạch cây dược liệu vào thực hiện, tạo sản phẩm hàng hoá cho nông dân. Mỗi cây trồng trong dự án đều có quy trình chế biến sau thu hoạch chi tiết. Sau đợt tập huấn, bà con nông dân sẽ nắm được kĩ thuật, phương pháp nấu cao, chiết xuất dược liệu có thể sản xuất từ nguồn nguyên liệu của dự án cũng như nguồn nguyên liệu thu hái được ngoài tự nhiên hoặc tự trồng.
Trong khuôn khổ của chương trình, dự án sẽ hình thành Cụm KHCN Trung tâm của dự án nhằm trình diễn, hướng dẫn các mô hình trồng, chế biến dược liệu sạch, là nơi nghiên cứu và nhân giống. Sau khi dự án kết thúc, đây sẽ là nơi sản xuất và cung cấp giống, điểm thu mua chế biến tất cả các loại dược liệu do bà con nông dân trồng, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người tham gia dự án bằng hợp đồng kinh tế.
Mô hình trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá ở một số huyện miền núi thấp của tỉnh Vĩnh Phúc hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội. Đây là bước đột phá cơ bản hỗ trợ cho người nông dân áp dụng KHKT trong canh tác, trở thành điểm sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao, điểm công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch, góp phần giúp người dân biết cách khai thác tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường.