Kỹ thuật cao, khó được thực hiện ngay tại Cao Bằng
Mới đây, BVĐK tỉnh Cao Bằng nhận chuyển giao kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống từ BV Hữu Nghị Việt Đức.
Ông L.T.M.H, 77 tuổi (TP Cao Bằng) bị chấn thương cột sống xẹp T10 do tai nạn sinh hoạt bằng phương pháp tạo hình thân đốt sống bơm cement sinh học qua cuống.
Đây là dịch vụ kỹ thuật mới được thực hiện theo Đề án 1816 tại BV gồm: Phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống; phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng nằm trong kế hoạch đào tạo chuyển giao kỹ thuật giữa BV Hữu nghị Việt Đức và BVĐK tỉnh Cao Bằng trong năm 2023.
Qua chuyển giao kỹ thuật, lần đầu tiên BVĐK tỉnh Cao Bằng thực hiện kỹ thuật bơm cement sinh học cột sống. Kỹ thuật này được tiến hành sau khi bệnh nhân được gây tê tại một vùng. Các bác sĩ áp dụng kỹ thuật bơm cement sinh học thường được dùng để điều trị về các bệnh lý cột sống như: gãy, nứt…
Việc tạo hình thân đốt sống sẽ góp phần làm giảm các cơn đau lưng, giúp phục hồi cơ địa tự nhiên của cột sống và ngăn cột sống bị lệch cho người bệnh. Bơm cement được coi là kỹ thuật ít xâm lấn, tiến hành thông qua vết mổ nhỏ, vì vậy cần độ chính xác rất cao. So với các phương pháp trước đây, kỹ thuật này thích hợp cho cả những người bị xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương một cách ổn định và ít gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Được biết, BVĐK tỉnh Cao Bằng là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh hiện có 570 giường bệnh, 39 khoa, phòng
Thời gian qua, BVĐK tỉnh Cao Bằng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của bệnh viện tuyến trung ương như BV Việt Đức, BV E, BV Bạch Mai… trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến nhằm triển khai một số kỹ thuật và Đề án 1816, Đề án Khám chữa bệnh từ xa qua đó các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có cơ hội nâng cao tay nghề, chuyên môn.
BVĐK tỉnh Cao Bằng thường xuyên phối hợp với các bệnh viện trung ương: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương; BV Hữu Nghị Việt Đức; BV Nhi Trung ương; BV Tim Hà Nội; BV Tâm thần Trung ương 1; Bệnh viện TW Thái Nguyên… thực hiện kiểm tra giám sát hỗ trợ chuyên môn theo Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án KCB từ xa.
Nhờ đón nhận sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trung ương, người dân đã tin tưởng hơn khi đến BVĐK tỉnh Cao Bằng khám, chữa bệnh. Trong 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu khám chữa bệnh của bệnh viện về cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như: Số lượt khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện giường kế hoạch 726/570 giường đạt 127.3% tăng 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái; công suất sử dụng giường bệnh đạt 117.5%.
Đảm nhiệm vai trò chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới
Làm chủ về chuyên môn kỹ thuật tuyến tỉnh, BVĐK tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt vai trò là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của tỉnh, thao gia đào tạo và chỉ đạo tuyến đối với y tế huyện.
BV đã thực hiện tốt hoạt động hoạt động khám chữa bệnh từ xa năm 2023 qua Telehealth giữa tuyến tỉnh với các bệnh viện và TTYT huyện, thành phố. Các buổi hội chẩn trực tuyến được duy trì thường quy 1lần/tháng. Tính đến 30/9/2023, BVĐK tỉnh Cao Bằng đã thực hiện được 8 hội chẩn với 24 ca bệnh các chuyên khoa Nội, Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa, Nhi khoa, Truyền nhiễm, Ngoại.
BVĐK tỉnh Cao Bằng vừa thực hiện hội chẩn về 3 ca bệnh của TTYT huyện Trùng Khánh, TTYT huyện Thạch An và BVĐK Quảng Hòa. Ca bệnh đầu tiên, bệnh nhân nam 67 tuổi, nhập viện với lí do ho ra máu, ho kéo dài, nôn sau ăn uống. Điều trị ở TTYT Trùng Khánh được khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng nội soi thực quản - dạ dày - hành tá tràng phát hiện có khối u chít hẹp thực quản. Sau làm thủ tục chuyển tuyến cho bệnh nhân đến BVĐK tỉnh khám và điều trị tiếp.
Ca bệnh của TTYT huyện Thạch An là một trẻ nhập viện với lí do sốt cao, co giật, đã được xử trí theo phác đồ điều trị và xin tư vấn về điều trị trẻ co giật, những lưu ý trong chăm sóc trẻ sau co giật. Ca bệnh thứ 3 là trường hợp phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm tại BVĐK Quảng Hòa.
Sau khi nắm được thông tin các ca bệnh, tổ chuyên gia của BVĐK tỉnh Cao Bằng đã phân tích tiền sử bệnh nhân, kết quả khám lâm sàng cũng như cận lâm sàng, diễn biến ca bệnh cùng với các bác sĩ tại các đơn vị từ đó đưa ra tư vấn và kết luận về chẩn đoán, phương pháp điều trị.
Việc cùng chẩn đoán, cùng hội chẩn và thảo luận phác đồ điều trị của BVĐK tỉnh Cao Bằng với các bệnh viện tuyến dưới qua Telehealth giúp các cơ sở y tế trong tỉnh thường xuyên được học hỏi, rèn luyện với bác sĩ tuyến trên giúp bác sĩ cơ sở trưởng thành hơn, đảm đương tốt công việc khám chữa bệnh tại cơ sở.