Du khách đến Hà Nội không lo "đi ngủ sớm"
UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận vào tháng 8/2020. Theo đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Phạm vi hoạt động kinh tế đêm sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm...
Các không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Khai thác có hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; phát triển ẩm thực tại khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của chợ Đồng Xuân, khai thác khu vực mái vòm (tầng 3), khu vực quảng trường trước cổng chính của chợ, kết hợp với khai thác chức năng thương mại tại khu đất 40 Thanh Hà - 17 Nguyễn Thiện Thuật, cấu trúc lại tuyến phố Hàng Khoai, Cao Thắng và khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân.
Phát triển không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu (đã được UBND TP, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP thông qua) để tổ chức Không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu (trong đó: giai đoạn 1 - tiếp tục triển khai việc đục thông, gia cố, cải tạo các ô vòm cầu tiếp theo, hoán đổi các bức bích họa tại khu vực Bích họa Phùng Hưng để tạo điểm nhấn đối với dự án thí điểm giai đoạn 1).
Phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ: hoàn thành công tác cải tạo, chỉnh trang tuyến phố, nâng cao chất lượng, tổ chức các hoạt động ẩm thực đặc sắc trên tuyến phố, kết nối với không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu để tạo thành chỉnh thể thống nhất.
Chợ Đêm tại phố Hàng Đào (Hà Nội)
Phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (đoạn Ngô Quyền cắt giữa) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực (có thể mở rộng ra phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ - khu vực xung quanh Nhà hát Lớn).
Tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong khu phố cổ; thiết lập các khu vực mua sắm tập trung, mua sắm chuyên đề để phục vụ nhu cầu của du khách cùng với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ tại hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, điểm mua sắm sẵn có trên địa bàn. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các hoạt động ngoài trời, các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch mở cửa đến 24 giờ.
Du khách Quốc tế thường tới phố Tạ Hiện thưởng thức ẩm thực
Giám đốc một công ty lữ hành, du lịch của Hà Nội bày tỏ, một trong những lý do nhiều du khách phàn nàn khi đến Hà Nội đó là phải “đi ngủ sớm”, vì hiện nay sau 12 giờ đêm mọi dịch vụ dừng hoạt động. Do vậy, việc quận Hoàn Kiếm phát triển kinh tế ban đêm sẽ tạo điều kiện cho du khách có thêm nhiều thời gian vui chơi, trải nghiệm, chi tiêu nhiều hơn khi đến Hà Nội.
“Cùng với phát triển kinh tế đêm, các DN lữ hành, du lịch sẽ xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm như tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá khu phố cổ yên bình vào ban đêm, khám phá ẩm thực về đêm, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật... chắc chắn đây là “đặc sản mới” làm cho du lịch Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn”- anh Lê Xuân Vinh bày tỏ.
Tạo sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách du lịch
Được phép phát triển kinh tế, dịch vụ đêm nhưng làm sao để dịch vụ hấp dẫn, du khách hào hứng đón nhận...? Giải đáp cho những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho rằng, UBND quận sẽ triển khai công tác phối hợp với các DN du lịch xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm như: Tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá ẩm thực về đêm, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Tháp Rùa (Hà Nội) về đêm
Nhà thờ Lớn (Hà Nội)
Cùng với đó, UBND quận Hoàn Kiếm đề ra các nội dung cần triển khai. Cụ thể, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ các vùng miền của quốc gia và Thủ đô tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực, các hoạt động đặc sắc để trở thành “điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn” của du lịch TP. Triển khai phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các cở sở kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh sang phục vụ khách du lịch.
Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho các cơ sở kinh doanh bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự...