Dịch chuyển cần thiết
Sau gần 30 năm phát triển công nghiệp, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương đã lớn mạnh hơn nhưng các doanh nghiệp chủ yếu còn trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp.
Bình Dương định hướng thời gian tới sẽ thu hút đầu tư công nghệ cao và hiện đã tập trung nhiều giải pháp thông qua đề án "thành phố thông minh", trong đó việc hình thành một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng để giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Sự kiện mới đây, UBND tỉnh Bình Dương ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) để xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Theo đó, bắt đầu từ năm 2023, Tập đoàn Trường Hải sẽ tập trung các nguồn lực để nghiên cứu dự án và UBND tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo thẩm quyền của tỉnh và pháp luật Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã giới thiệu và nhà đầu tư đã khảo sát một số địa điểm tiềm năng để xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, đang chờ quyết định chính thức.
Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô - lĩnh vực chính của THACO, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác. Khu công nghiệp cơ khí còn "mở rộng cửa" cho các đối tác, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự lan tỏa, cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, mà được đầu tư xây dựng theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu.
Trong các khu công nghiệp đã thành lập có 2 khu công nghiệp do doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.816 tỷ đồng, 3 khu công nghiệp liên doanh với vốn đầu tư 11.581 tỷ đồng. Các khu công nghiệp còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.406 tỷ đồng. Tỉnh đang xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích khu công nghiệp.
Phát triển khu công nghiệp bền vững
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 15.790 ha. Hiện tại, đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khu công nghiệp VSIP III và Khu công nghiệp Cây Trường), với tổng diện tích 1.700 ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín cho biết, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình "3 trong 1" (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Do đó, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp; đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư.
Chính sách phát triển các khu công nghiệp bền vững của tỉnh Bình Dương đang phát huy hiệu quả khi thu hút được sự quan tâm từ các tập đoàn đầu tư quốc tế lớn. Đơn cử như mới đây, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã đầu tư dự án xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD trên diện tích 44ha tại Khu công nghiệp VSIP III (thị xã Tân Uyên). "Bình Dương có hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị và dịch vụ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn LEGO", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ LEGO Việt Nam Preben Elnef nói.
Là doanh nghiệp tiên phong, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH một thành viên (Becamex IDC) chủ động phát triển hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Chủ tịch Hội đồng quản trị Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Chúng tôi đã tạo được hệ sinh thái rất tốt ở từng khu công nghiệp, dần dần phát triển nhân rộng ra nhiều khu công nghiệp. Vấn đề cốt lõi nhất là vừa phát triển khu công nghiệp, vừa phát triển thương mại - dịch vụ, trong dịch vụ có đô thị, trong đô thị có định cư cho người dân, bao quanh là hệ sinh thái hoàn chỉnh về giao thông, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục chất lượng cao…".
Được biết, Bình Dương cũng đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập Khu công nghiệp khoa học công nghệ do Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Công ty cổ phần (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động Khu công nghiệp VSIP III và Khu công nghiệp Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700 ha đất.