Hồ sơ Quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang trên đường đệ trình UNESCO xét vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến vào tháng 6/2012, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 sẽ nhóm họp, xét vinh danh. Trước ngày “đi thi”, dù còn đó những nỗi lo, thách thức nhưng Di sản văn hóa Việt độc đáo này lại có dịp khoe sắc trong ngày Giỗ Tổ năm nay.
Một hiện tượng văn hóa độc đáo
Người Việt hẳn ai cũng nhớ câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Thực tế, đa số nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước đều khẳng định Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam là một hiện tượng văn hóa độc đáo, rất ít thấy trên thế giới. Thông thường, con người nơi đâu cũng tin theo một hay nhiều tôn giáo. Nhưng với con người Việt Nam thì dường như gia đình nào cũng có một góc thiêng thờ cúng tổ tiên. Nhiều dân tộc trên thế giới cũng tôn thờ một vị thần thánh được xem là thủy tổ của dân tộc họ… Nhưng cả dân tộc và dường như trên toàn lãnh thổ cùng xem các Vua Hùng là Quốc Tổ, được thờ cúng, tín ngưỡng như một biểu tượng tối linh và ngày nay trở thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ thì có lẽ chỉ có Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam. Đây chính là hiện tượng độc đáo, bản sắc văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam thực sự hiếm thấy trên thế giới.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012, điểm hội tụ tâm linh, văn hóa và đoàn kết dân tộc. |
Nói như PGS.TS. Trần Lâm Biền, núi Nghĩa Lĩnh – Khu di tích lịch sử Đền Hùng chính là “chủ sơn” hội tụ nét văn hóa độc đáo này, nhưng thực chất tín ngưỡng này được cả người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước thực hành. Hàng năm, vào dịp Lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức, Phú Thọ đón khoảng 6 – 10 triệu lượt người trên khắp cả nước về hành hương. Trong dịp Giỗ Tổ, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng tổ chức những lễ nghi tại địa phương mình hướng về cội nguồn của dân tộc và nhiều tỉnh còn dâng các lễ vật lạ như bánh chưng to nhất, bánh dày nặng nhất… để tưởng niệm các Vua Hùng. Suy rộng hơn, PGS.TS. Đặng Văn Bài còn cho rằng, chủ thể văn hóa của di sản này có thể khẳng định chính là 80 triệu người dân Việt Nam.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, với tư cách là một tín ngưỡng bản địa, tục thờ cúng Hùng Vương đã có những giao thoa, thâu nạp một số yếu tố của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo - ba tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần và văn minh vật chất của Việt Nam trong thời trung đại. Như vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm nhấn trong giao thoa, tiếp thu, kết tinh nhiều nét văn hóa khác nhau với bản sắc riêng để tạo thành một hiện tượng văn hóa độc đáo của người Việt. Xét ở góc độ nào đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là nét tâm lý uống nước nhớ nguồn của người Việt nhưng cũng là nét tâm lý chung của nhiều tộc người Việt Nam. Việc đăng ký Hồ sơ Quốc gia này đệ trình UNESCO không chỉ giúp người Việt nhận thức sâu sắc thêm về sức sống di sản mà qua đó còn gửi những thông điệp về tư tưởng cội nguồn, biết ơn tổ tiên của người Việt với mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới. Từ đó, khẳng định sự trường tồn đạo lý cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ ngàn năm của người Việt và nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.
Cần nâng cao vai trò của cộng đồng
Lẽ dĩ nhiên, những chủ thể văn hóa vẫn luôn là yếu tố gốc để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chủ nhân của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là người Việt ở các làng xã Phú Thọ nhưng rộng hơn, tín ngưỡng này đã lan tỏa khắp cả nước. GS.TS. Karen Fjelstad – ĐH San Jose, California, Mỹ kiến giải: “Tín ngưỡng này như một thói quen hay một thực hành xã hội phổ biến và sau một quá trình có chiều dài lịch sử, dường như Vua Hùng đã trở thành một đấng tối linh xếp ngang hàng với thần thánh. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, tôi thấy cần phải khuyến khích các cá nhân thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Họ chính là chủ thể sáng tạo và cũng là những người thực hành nghi lễ, bảo tồn tín ngưỡng”.
Cần phục hồi, phát huy nhiều diễn xướng dân gian trong Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phúc Anh |
Những năm gần đây, Lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương đã được tổ chức ngày càng quy mô, trọng thể hơn. Khu di tích lịch sử Đền Hùng-Phú Thọ đã và đang được đầu tư thành Di sản vật thể quy mô của Việt Nam. Thế nhưng, nói cho cùng thì di sản văn hóa phi vật thể không thể tách rời di sản vật thể và ngược lại. Vì thế, chúng ta cần tạo sự phát triển hài hòa, tổng thể giữa di sản vật thể và phi vật thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Mới đây, hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thực sự là nguồn động viên, “ghi điểm” cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên đường đệ trình UNESCO xét vinh danh. Nhưng để di sản “sống khỏe”, cần phải có nhiều hoạt động diễn xướng văn hóa phi vật thể được phục hồi, phát triển hơn nữa để tạo sự hài hòa giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng nói chung và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng.
Dù vậy, sự phát triển của Lễ hội Đền Hùng những năm gần đây đang đặt ra nhiều nguy cơ thách thức khi lễ hội bắt đầu xuất hiện các kịch bản, dàn dựng và đôi khi còn xuất hiện cả đạo diễn. Ít nhiều Lễ hội biểu trưng Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “hành chính hóa”, “Nhà nước hoá”. TS. Phạm Văn Dương - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhìn nhận: “Vị trí, vai trò người dân từ chủ thể sáng tạo của lễ hội đang dần trở thành người đi xem”. Vì thế, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, vai trò của cộng đồng là chủ thể văn hóa và kiến nghị cần phải có cách thức để giao cộng đồng làm chủ tế trong thực hành di sản này. TS. Lê Thị Minh Lý cũng khẳng định: “Với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta cần phải tăng cường vai trò của cộng đồng là chủ thể di sản, người thực hành di sản”.
Vĩnh Đăng