Tiềm năng phát triển cây dược liệu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng theo các chuyên gia, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh sản xuất trong nước mới đáp ứng được 25% nhu cầu nguyên vật liệu của thị trường, dư địa phát triển ở thị trường nội địa còn rất lớn, chưa kể đến thị trường xuất khẩu. Tiềm năng to lớn cho một danh mục sản phẩm đa dạng là hiện hữu.
Nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Các huyện triển khai thực hiện dự án phải có xã đặc biệt khó khăn; Là huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; Có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao. Đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển Sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.
Với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, lĩnh vực dược liệu ở Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển từ tư duy trồng dược liệu sang tư duy phát triển kinh tế dược liệu, tập trung chế biến sâu để trở thành một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cao, không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, đồng thời giúp dược liệu Việt Nam có điều kiện tiến mạnh ra thế giới.
Khai thác phải đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu
PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương được lựa chọn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025".
Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích.
Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.
Xem thêm video được quan tâm:
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi khẩn lô thuốc điều trị dạ dày nhập khẩu I SKĐS