Hà Nội

Phát triển dược liệu Việt Nam: 'Mỏ vàng' chờ khai thác

15-11-2023 08:39 | Y học cổ truyền

SKĐS - Theo thống kê của Viện Dược liệu, diện tích, sản lượng dược liệu của cả nước mới chỉ đáp ứng 25-30% nhu cầu sản xuất dược phẩm, còn lại là phải nhập khẩu. Chính vì vậy, phát triển dược liệu còn tiềm năng rất lớn và cũng giúp tiếp tục mở ra các cơ hội nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm quế và cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới.

Phát triển dược liệu Việt Nam: 'Mỏ vàng' chờ khai thác- Ảnh 1.

Sơ chế dược liệu tại một doanh nghiệp ở Yên Bái (Ảnh IT)

Có thể thấy, dược liệu đang là một trong những đối tượng cây trồng mang lại nguồn thu khá cho không ít người dân tại các địa phương trên cả nước. Ðể góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, cùng với việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nhiều địa phương, nhất là những tỉnh miền núi, giáp biên giới cũng đã xác định phát huy cao nhất diện tích đất dưới tán rừng để duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu.

Điển hình như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Nam, Kon Tum… đã xác định trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu không chỉ nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân giảm nghèo mà còn thu hút và đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan, du lịch. Đây cũng là hướng đi đúng đắn, khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm mang lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng và không ảnh hưởng quỹ đất của các loại cây trồng khác.


Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Dược liệu, diện tích, sản lượng dược liệu của cả nước mới chỉ đáp ứng 25-30% nhu cầu sản xuất dược phẩm, còn lại là phải nhập khẩu. Chính vì vậy, phát triển dược liệu còn tiềm năng rất lớn và cũng giúp tiếp tục mở ra các cơ hội nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân.

Bên cạnh đó, phát triển vùng trồng dược liệu trên cả nước vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Chẳng hạn như ở Điện Biên, có rất nhiều dược liệu quý nhưng mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu là quá thấp. Hay ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc.

Tìm hướng đi mới để phát triển chuỗi dược liệu

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Nhà nước, muốn nâng cao giá trị từ cây dược liệu và hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả từ dược liệu, Việt Nam không chỉ chú trọng khai thác hợp lý các loài dược liệu tự nhiên, mà còn phát triển các vùng trồng dược liệu trọng điểm trên cả nước đi liền với thiết lập chuỗi liên kết vùng trồng - sản phẩm.

Hiện, sản xuất dược liệu cũng như làm nông nghiệp bị các tổ chức tín dụng đánh giá gặp rất nhiều rủi ro khi cho vay vốn. Nếu dự án dược liệu không thành công thì ngân hàng khó thu hồi vốn. Đây chính là nguồn nhân khiến ngân hàng không mặn mà khi cho doanh nghiệp, HTX và nông dân vay vốn để trồng dược liệu hay khởi nghiệp với sản phẩm dược liệu.

TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết, cây dược liệu phù hợp trồng ở các vùng miền múi, trong đó lao động chính là người dân, thành viên HTX. Trong khi để phát triển được chuỗi dược liệu, ngoài mở rộng diện tích còn cần đầu tư máy móc, công nghệ…

Chình vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, cần lấy vai trò của doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết, hỗ trợ HTX, người dân về vốn, công nghệ. Đi liền với đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các HTX trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị, thu nhập và giải quyết việc làm, hỗ trợ tích cực cho giảm nghèo bền vững, cần nâng cao giá trị cho các loại dược liệu. Việt Nam có khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu, nhưng dược liệu hiện chủ yếu là ở dạng thô chưa có giá trị kinh tế cao. Muốn sản xuất ra một sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng cần phải có sự liên kết của nhiều bên trong nghiên cứu để sản phẩm cuối cùng từ dược liệu đem lại giá trị thật sự cho người dùng, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.

P.V
Ý kiến của bạn