Khám chữa bệnh đông y và kết hợp đông y với y học hiện đại
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác phát triển nền Đông y và Hội Đông y tại Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu ban hành các kế hoạch, quyết định quan trọng để triển khai thực hiện.
Với sự vào cuộc quyết liệu của tỉnh và ngành Y tế, các giải pháp để phát triển công tác y dược học cổ truyền được tập trung chỉ đạo, góp phần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược không ngừng được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Sở Y tế Thanh Hóa đã bố trí cán bộ, chuyên viên phụ trách theo dõi, tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai, đôn đốc thực hiện việc quản lý, triển khai công tác y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh; 27/27 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đều bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách làm công tác quản lý, theo dõi y dược cổ truyền.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, tăng cường bổ sung nhân lực, tăng cường giường bệnh cho khoa y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Do đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh đông y và kết hợp đông y với y học hiện đại (chủ yếu là các loại bệnh mạn tính thường gặp như: Đau lưng, đau khớp, thoái hóa cột sống, tai biến mạch máu não)… tại tuyến tỉnh chiếm 4,9%, tuyến huyện chiếm 24% trên tổng số khám, chữa bệnh chung tại các bệnh viện trong tỉnh.
Phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu để xóa đói giảm nghèo
Điều nổi bật về công tác nuôi trồng, thu hoạch sử dụng dược liệu được quan tâm. Thanh Hóa đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Cụ thể, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu, phối hợp với Hội Đông y tỉnh chỉ đạo Hội Đông y các cấp hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh… tổ chức vườn cây thuốc nam, gắn việc trồng và sử dụng thuốc nam, chăm sóc sức khỏe cộng đồng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Nói đến mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình về phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu phải kể đến: Mô hình trồng Quế, Sa nhân trên địa bàn huyện Thường Xuân; mô hình trồng Hòe hoa trên địa bàn huyện Nga Sơn, Hà Trung; mô hình trồng cây Sinh địa trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Tỉnh Thanh Hóa có gần 1.000 loài cây dược liệu, với diện tích khoảng 5.000 ha.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân . Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp thu mua dược liệu của người dân trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống thương lái. Theo ước tính, giá trị kinh tế bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt khoảng 280 - 350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống ở các địa phương đang có diện tích liên kết.
Từ chỗ chỉ trồng để sử dụng trong gia đình, cây chè đắng của gia đình ông Trương Công Thứ, thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước) đã trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao khi được hợp tác xã Dược liệu Pù Luông liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Thứ cho biết: "Năm 2022 sau khi hợp tác xã Dược liệu Pù Luông triển khai, thu mua cây chè đắng, gia đình tôi đã mở rộng diện tích sản xuất lên gần 1.000 m2 trong vườn nhà. Sau 8 tháng nhân giống, cây chè đắng cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4 tấn. Hơn nữa, loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công chăm sóc lại có thể lưu gốc nhiều năm nên phù hợp với điều kiện sản xuất của đa phần người dân. Nhờ liên kết bền vững với hợp tác xã, gia đình tôi và nhiều hộ tại địa phương đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất, đưa cây chè đắng thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp".
Theo Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa: Liên minh hợp tác xã đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai các cơ chế chính sách. Đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tìm đầu ra cho các sản phẩm, tăng cường phát triển các mô hình liên doanh liên kết bền vững với doanh nghiệp trong sản xuất dược liệu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.
Trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa cũng đã có 15 đề tài khoa học cấp tỉnh nghiên cứu về dược liệu như các đề tài: Xây dựng quản lý phát triển cho sản phẩm quế ngọc huyện Thường Xuân; Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây Sachi tại Thanh Hóa; mô hình sản xuất, chế biến nấm dược liệu…. Ngoài ra, ngành Y tế đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị.
Các tổ chức, cá nhân trong ngành đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp tỉnh có giá trị khoa học và thực tiễn cao, được ứng dụng hiệu quả vào công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Từ năm 2008 đến năm 2023, có 27 đề tài nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại (có 1 đề tài cấp tỉnh, 26 đề tài cấp cơ sở), các sản phẩm từ đề tài được ứng dụng trong khám, chữa bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Bảo Tồn Và Phát Triển Cây Dược Liệu Ở Vùng Núi Quảng Ngãi | SKĐS