Trồng cây dược liệu bài bản theo đề án
Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền - Bộ Y tế, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Những số liệu thống kê cho thấy tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loại cây dược liệu quý đều sinh trưởng và phát triển tại các vùng núi cao, dưới tán rừng hoặc bên trong rừng phòng hộ. Nơi đây cũng chính là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy để phát triển được ngành dược liệu, việc nâng cao tri thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe là rất cần thiết đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là giải pháp kịp thời mang lại nguồn vốn nhằm triển khai dự án đầu tiên của Chính phủ về trồng và phát triển dược liệu trong nước.
"Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý" là một trong những tiểu dự án thuộc dự án 3, hướng tới mục tiêu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững; ổn định sinh kế cho người dân.
Theo đó, vùng miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo sinh sống trong vùng, có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu, có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao là những đối tượng được nhà nước hỗ trợ.
Phát triển đề án trồng cây dược liệu tại các tỉnh miền núi
Xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là xã miền núi có gần 100% người Thái sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã được hỗ trợ kinh phí trồng cây dược liệu theo quy trình là 300 triệu đồng.
Trong đó, phân chia tỷ lệ % hỗ trợ các bước trong quy trình rõ ràng như hỗ trợ phân bón là 80%; hỗ trợ thuê người hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào trồng dược liệu là 10%.... Hơn 5ha cây dược liệu bao gồm các loại: Cà gai leo; cây lá khôi tím, cây xạ đen, cây bách bộ và cả rau má được người Thái ở Yên Hợp trồng theo quy mô kế hoạch của Đề án.
Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cây dược liệu phát triển rất tốt. Sau 8 tháng trồng và chăm sóc theo quy trình chuẩn hữu cơ, nhiều hộ gia đình người Thái ở Yên Hợp đã có thu nhập khá từ vườn của gia đình.
Tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế có địa hình chủ yếu là đồi núi, đèo dốc. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 75% dân số. UBND huyện A Lưới đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" thông qua đó quy hoạch hơn 360ha vùng trồng dược liệu, tập trung tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Bắc với tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng.
Xem thêm video được quan tâm:
Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS