Theo Lương y, Bác sĩ Vũ Xuân Điều, ngay từ khi trồng cây dược liệu cần phải đảm bảo vấn đề sạch, trồng bằng phân hữu cơ, vi sinh, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu. Đến khi thu hái dược liệu là thu hái theo mùa và phải đúng thời điểm nhất định, ví dụ với cây cốt khí rất tốt trong trị bệnh xương khớp thì việc thu hái củ cốt khí phải sau 2-3 năm chứ không phải lúc nào cũng có thể thu hái được sẽ không đảm bảo chất lượng.
Sau khi thu hái, đến khâu chế biến cần cẩn trọng tuân thủ theo nguyên tắc cổ truyền đó là rửa sạch, hong phơi khô, tốt nhất là phơi trong nhà kính. Công đoạn chế biến, sao tẩm dược liệu thực hiện bằng phương pháp thủ công, không dùng hóa chất như lưu huỳnh, diêm sinh hoặc các biện pháp can thiệp không đúng khác. Ngoài ra, để có nguồn dược liệu sạch, cũng cần phải đẩy mạnh liên doanh liên kết với bà con nông dân, các doanh nghiệp có đất trồng rừng để trồng các cây dược liệu đảm bảo yếu tố sạch...
Xuất phát từ mong muốn tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm và các thầy thuốc giỏi có tâm với nghề để trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng những bài thuốc cổ phương của các bậc danh y nổi tiếng trong và ngoài nước và những phương thuốc bí truyền của các dòng họ, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 25/1, tại Thái Nguyên đã diễn ra lễ khai trương Trung tâm Ứng dụng và phát triển Y Dược học cổ truyền Tây Bắc thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Các đại biểu cắt băng khai trương Trung tâm Ứng dụng và phát triển Y Dược học cổ truyền Tây Bắc.
Trung tâm được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2 tại thôn La Đành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Theo quy hoạch, Trung tâm được chia thành hai khu vực chính: khu tổ hợp gồm phòng chẩn trị, phòng lưu trú, khu hành chính và nhà xưởng bào chế, sản xuất thuốc; khu nuôi trồng dược liệu.
Cũng theo Lương y, Bác sĩ Vũ Xuân Điều, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất trong lĩnh vực y học cổ truyền: tai biến mạch máu não, cơ xương khớp, gút, vô sinh, dạ dày, u bướu, hoạt huyết dưỡng não… Sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y học cổ truyền: tai biến mạch máu não, cơ xương khớp, gút, vô sinh, dạ dày, u bướu, hoạt huyết dưỡng não… Khám và bốc thuốc cho nhân dân. Châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho người bệnh bị tai biến và tai nạn lao động… Hợp tác với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Lương y, Bác sĩ Vũ Xuân Điều phát biểu tại lễ khai trương.
"Một trong những chiến lược của Trung tâm là trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các nhà khoa học của Viện Dược liệu, Bộ Y tế; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế… phát triển trồng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của Trung tâm và hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài"- Lương y, Bác sĩ Vũ Xuân Điều cho biết thêm.
Được biết, trong lịch sử y học dân tộc cổ truyền của nước Việt Nam, dòng họ Vũ ở Nam Định chiếm một vị trí khá quan trọng vì những đóng góp cho công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Năm 1069, cụ Tổ Vũ Đình Tiến cứu sống hoàng tử con Vua Lý Thánh Tông bằng bài thuốc cổ phương của dòng họ nên được sắc phong làm Thái y. Trải qua nhiều đời, những kiến thức điều trị bệnh bằng y học cổ truyền của dòng họ Vũ được bồi đắp thành những kho tàng tri thức khổng lồ và được lưu giữ cho đến ngày nay.