Hà Nội

Phát triển dược liệu cà gai leo trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Gia Lai

03-01-2020 11:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Việt Nam là 1 trong 15 nước có trong bản đồ dược liệu thế giới. Không chỉ thu hái cây dược liệu trong tự nhiên, thời gian qua bà con nhiều nơi, đặc biệt là bà con vùng núi cao, đã tổ chức trồng cây dược liệu như một nguồn thu nhập quan trọng. Bình quân nuôi trồng dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tới nay, có thể nói, phong trào trồng cây dược liệu đã được nhiều địa phương hưởng ứng, thu được nhiều kết quả.

Để phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, người dân xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã chú trọng phát triển các loại cây dược liệu trên vùng đất gò đồi.  Từ thực tế cho thấy xã Tú An là quỹ đất thì có nhiều, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loài dược liệu, trong khi đó trồng cây Mía và cây Khoai mì không hiệu quả.

Bắt đầu từ tháng 2/2019, dưới sự hỗ trợ của Thị ủy, UBND thị xã An Khê, thì UBND xã Tú An đã tìm hiểu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cho triển khai ươm giống hàng vạn cây giống cà gai leo triển khai trồng với diện tích 5ha để thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế mới cho đồng bào Bahnar tại làng Pơ Nang, bước đầu, mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Phát triển cây dược liệu góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông sản của xã Tú An gắn với việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Ngoài sản phẩm như Rau an toàn, xã Tú An còn có thêm các sản phẩm từ cây dược liệu như: Cà gai leo, Măng tây, Thảo quyết minh…

Mô hình trồng cây dược liệu Cà gai leo của Tổ hợp tác Pơ Nang, thôn Tú Thủy, xã Tú An, là mô hình đầu tiên, đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Năm 2019, xác định cây Cà gai leo là cây dược liệu quý có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, hiệu quả kinh tế cao, được sự hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Xã Tú An đã cho triển khai trồng thí điểm giai đoạn một là 2ha tại Làng Pơ Nang. Trung bình cứ 4 tháng cho thu hái một lứa với năng suất khoảng 3 tấn khô/1ha với giá bán dao động từ 50.000đ/kg (bán cho Hợp tác xã Tú An 1) và 90.000đ/kg (bán cho người tiêu dùng) thì sẽ cho doanh thu bình quân là 230 triệu/1 ha, sau khi trừ các loại chi phí như tiền giống, phân  bón, nhân công,… thì còn lãi được khoảng 80 triệu/1 ha.

Vườn ươm cây giống cà gai leo của Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 tại làng Pơ Nang

Nhận thấy việc trồng cây Cà gai leo cho hiệu quả kinh tế cao nên UBND xã Tú An tiếp tục chuyển đổi diện tích đất còn lại của địa phương sang trồng cà gai leo, thảo quyết minh, và sắp tới là Đinh Lăng. Cùng với Tổ hợp tác Pơ Nang, nhiều hộ gia đình trong làng Pơ Nang cũng đã chuyển đổi sang hướng trồng cây dược liệu. Các hộ đã tích cực học hỏi, cam kết thực hiện các quy trình chăm sóc đảm bảo an toàn. Phát triển cây dược liệu không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng Pơ Nang, mà còn làm chuyển biến về nhận thức cho nhiều hộ gia đình ở xã Tú An trong phát triển hàng hóa chất lượng cao.

Tuy nhiên, người dân làng Pơ nang mới chỉ làm được khâu trồng và thu hái thôi, vì đây là mô hình mới nên bà con còn bỡ ngỡ. Do vậy thị xã An khê đã quyết định đưa sản phẩm của xã Tú An tham gia chương trình mục tiêu quốc gia “mỗi xã một sản phẩm – OCOP” để các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã được tư vấn, đào tạo, tập huấn về quản trị, vận hành hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và chuẩn hóa sản phẩm do minh sản xuất ra và xúc tiến thương mại bán ra thị trường

Trong chiến lược dài hạn thì Bộ Y tế cũng đang hướng đến việc xây dựng ở Gia Lai các vùng trồng cây dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp nguồn dược liệu sản xuất thuốc tại chỗ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, nhận định: Đây là dự án được chính quyền thị xã An Khê kỳ vọng sẽ trở thành mô hình kinh tế giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo bền vững. Sắp tới, địa phương sẽ có kế hoạch hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng cà gai leo trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Cà gai leo được biết đến với rất nhiều cái tên khác như cà gai dây, cà vạnh, cà bò, cà quạnh, là một trong những thảo dược quen thuộc có tác dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, chữa phong thấp, say rượu, …

Đặc biệt, cà gai leo được chiết xuất thành phần dược liệu, sử dụng nhiều nhất trong các loại thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan virus B, xơ gan, men gan cao, giải rượu.


Hiền Mai
Ý kiến của bạn