Phát triển đội ngũ điều dưỡng để đáp ứng hội nhập

22-10-2018 09:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Điều dưỡng viên là những người đóng góp quan trọng trong việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện. Mặc dù vất vả nhưng đội ngũ điều dưỡng viên vẫn luôn tận tụy trong việc điều trị và chăm sóc người bệnh.

Còn quá thiếu điều dưỡng

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 73.000 y bác sĩ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh (ĐD-NHS) công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tỷ lệ ĐD-NHS/BS là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304 thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực, thậm chí chưa đạt mức tối thiểu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (4/1). Tuy nhiên trên thực tế, theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học công nghệ & Đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015 cứ 4 điều dưỡng ra trường thì chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.

Có thể thấy, điều dưỡng là người giúp việc và hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ, thực hiện y lệnh của bác sĩ. Về mặt đào tạo, tuy các trường ngành y đã có các khoa đào tạo riêng về điều dưỡng, nhưng về cơ bản, việc đào tạo vẫn mang dáng dấp của đào tạo bác sĩ, y sĩ, trong khi mô hình đào tạo điều dưỡng tại các nước phát triển đi theo xu hướng đào tạo điều dưỡng theo từng chuyên ngành chuyên sâu.

Ở mặt trình độ, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã chuẩn hóa trình độ điều dưỡng phải từ cao đẳng trở lên, thì ở Việt Nam, điều dưỡng trình độ trung cấp vẫn chiếm gần 75%, sơ cấp còn 1,6%. Đáng chú ý là điều dưỡng trưởng khoa tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố hơn 48% vẫn ở trình độ trung cấp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2017, cả nước mới có hơn 300 điều dưỡng có trình độ sau đại học với vỏn vẹn 5 tiến sĩ. Nguyên nhân khách quan là Việt Nam chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ điều dưỡng. Các điều dưỡng viên muốn được đào tạo sau đại học hầu như phải sang các nước phát triển trong khu vực. Ngoài ra, nhiều điều dưỡng chuyển đổi từ y sĩ, y tá sang hoặc y sĩ, y tá kiêm nhiệm công tác điều dưỡng.

Điều dưỡng viên là những người rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Điều dưỡng viên là những người rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Cần phải đổi mới đội ngũ điều dưỡng

Mới đây, tại Hội nghị “Đổi mới chính sách Điều dưỡng và dịch vụ chăm sóc hướng tới hài lòng người bệnh”, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã khẳng định, ĐD-NHS là chuỗi mắt xích quan trọng trong quy trình khám, chữa bệnh. Những năm qua, công tác điều dưỡng đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực: Chính sách, hệ thống tổ chức, quản lý, đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu để đánh giá đúng thực trạng, từ đó có những hướng đi, giải pháp cụ thể trong xây dựng, phát triển đội ngũ điều dưỡng (ĐNĐD).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hạn chế của đội ngũ điều dưỡng là chưa tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, trình độ hạn chế trong xu thế hội nhập hiện nay; việc tự chủ tài chính khiến các bệnh viện hạn chế tuyển dụng nhân lực điều dưỡng khiến quá tải công tác chăm sóc... Thứ trưởng đã đề nghị ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đổi mới về chính sách điều dưỡng, hệ thống quản lý điều dưỡng; tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh; đổi mới phong cách thái độ phục vụ và cải tiến chất lượng chăm sóc hướng tới sự hài lòng của người bệnh; cập nhật, hoàn thiện quy trình chăm sóc người bệnh và tính chi phí thực hiện phù hợp.

Bệnh nhân khi điều trị tại các bệnh viện, phần lớn thời gian bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiếp xúc nhiều nhất là điều dưỡng. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp, ứng xử (kỹ năng mềm) của ĐNĐD hiện nay còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, nhưng về cơ bản công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho ĐNĐD chưa được chú trọng và chính ĐNĐD chưa chủ động rèn luyện, trang bị cho bản thân.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có nhiều tiêu chí liên quan đến hoạt động của điều dưỡng, đặc biệt trong những tiêu chí hướng về người bệnh. Chăm sóc không tốt sẽ không có những thành quả điều trị, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế. Do đó, phải đổi mới công tác điều dưỡng để thực hiện tốt 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm: an toàn và hài lòng người bệnh... nhằm thực hiện tốt Nghị Quyết 20 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.


Minh Khoa
Ý kiến của bạn