Những chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân
Trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã gửi Quốc hội Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tờ trình nêu rõ, để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, sẽ có 10 chính sách đặc thù để phát triển điện hạt nhân như cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thoả thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; hoặc Hiệp định/thoả thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Nhiều chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân được đề xuất.
Cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án. Cho phép thực hiện ngay các công việc trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Đề xuất cho phép áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng phù hợp với dự án điện hạt nhân mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam....
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân (ĐHN) và xây dựng 2 dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 là cần thiết và quan trọng. Mặt khác, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo ông Tuấn, với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, và hệ thống điện Việt Nam chưa có liên kết với các hệ thống điện láng giềng, trong hàng thập kỷ tới, chúng ta chưa thể trông cậy chỉ vào các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là các loại hình điện mặt trời, điện gió có tính bất định, phụ thuộc nhiều vào ngày, đêm, thời tiết.
Bài toán an ninh cung cấp năng lượng kết hợp với phát triển bền vững đòi hỏi có những nguồn điện chạy nền, ứng phó với những bất thường của thiên nhiên, khí hậu. ĐHN là nguồn điện chạy nền ổn định, không phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, và không phát thải CO2 trong vận hành. ĐHN kết hợp với các loại nguồn linh hoạt và năng lượng tái tạo sẽ là thành tố thay thế hiệu quả các nguồn điện than, dầu.
Không chỉ có 2 dự án ĐHN Ninh Thuận, trong dài hạn, chúng ta cần tiếp tục xây dựng các nguồn điện hạt nhân khác để thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đầu tiên chúng ta nên bổ sung vào Quy hoạch điện VIII về các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, không chỉ ở Ninh Thuận. Có thể là chúng ta mở rộng Ninh Thuận cộng với có thể tìm kiếm thêm một vài địa điểm nào có thể phù hợp.
Đồng thời là chúng ta phải ngay lập tức đi làm việc với các đối tác, kể cả các đối tác trước đây đã từng hợp tác với chúng ta làm điện hạt nhân Ninh Thuận, đó là Liên bang Nga và Nhật Bản. Cùng với việc đó chúng ta có thể tìm thêm những đối tác mới tiềm năng và họ có cả kinh nghiệm và tiềm lực/quyền lực trong lĩnh vực hạt nhân, với sự tư vấn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA).
"Song song với việc đó thì chúng ta phải khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là về các chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn để làm chủ được công nghệ điện hạt nhân, có thể sau này chúng ta còn có thểtự làm nhiên liệu hạt nhân, rồi chúng ta có thể xử lý được chất thải hạt nhân, chúng ta có thể nâng cao mức độ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam", TS Nguyễn Quân nói.
Chính sách đặc thù nào là quan trọng nhất?
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, để phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam một cách an toàn và bền vững, cần áp dụng các giải pháp trọng tâm như thúc đẩy hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách chính sách giá điện.
ĐHN sẽ bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam, cung cấp nguồn điện ổn định và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Dự án này là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình phát triển sang năng lượng sạch, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường. Hơn nữa, quá trình triển khai dự án sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ hiện đại và xây dựng đội ngũ chuyên gia hạt nhân có trình độ cao, từ đó nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài trong công tác chuyển giao công nghệ và quản lý dự án không chỉ tạo ra các mối liên kết chiến lược mà còn giúp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Như vậy, năng lượng hạt nhân không chỉ là một giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước.
Tuy nhiên theo TS Tô Văn Trường, việc xây dựng nhà máy ĐHN hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn. Phát triển ĐHN không chỉ là bài toán tài chính mà còn đòi hỏi công nghệ cao với 2 thách thức lớn nhất là bảo đảm an toàn lò phản ứng và xử lý chất thải phóng xạ.
Chính phủ đã giao cho hai tập đoàn lớn của đất nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Petrovietnam nhiệm vụ đầu tư vào 2 nhà máy ĐHN. Để bảo đảm thành công và an toàn cho các dự án này, việc hợp tác với các đối tác quốc tế có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến là điều thiết yếu. Thông qua hợp tác này, các công nghệ phù hợp sẽ được lựa chọn, qua đó xác định quy mô, công suất và tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, cần thiết phải điều chỉnh và bổ sung khung pháp lý, cụ thể là hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển. Về cơ sở hạ tầng, việc xác định địa điểm xây dựng và tái khởi động lập báo cáo khả thi là cần thiết, nhằm bảo đảm các yếu tố về giải phóng mặt bằng và kết nối giao thông.
Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tham gia vào các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giúp cập nhật tiêu chuẩn an toàn và công nghệ hiện đại nhất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 17/2: Trêu ghẹo cô gái bị phản ứng, gã đàn ông bệnh hoạn quay qua đập phá quán ăn gây náo loạn