Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám, chữa bệnh

05-12-2024 06:36 | Y tế
google news

SKĐS - Nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam lớn do tỷ lệ người khuyết tật cao. Tuy nhiên, mạng lưới phục hồi chức năng còn chưa phát triển đồng bộ, cần từng bước thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng.

Mạng lưới phục hồi chức năng chưa phát triển đồng bộ

Việt Nam là một trong những Quốc gia có nhu cầu phục hồi chức năng lớn với tỷ lệ người khuyết tật cao, trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật. Hiện nay cả nước có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; dân số già hóa, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam hiện nay là 13,9% (công bố của Tổng cục thống kê năm 2023). Mô hình bệnh tật thay đổi: chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch COVID-19… gia tăng số người cần phục hồi chức năng.

Thế nhưng, hiện nay thực trạng công tác phục hồi chức năng có nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo TS. Vương Ánh Dương (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế), trước hết phải kể đến mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng phát triển chưa đồng bộ cả ở trong và ngoài ngành Y tế, cả y tế cơ sở và tuyến tỉnh của nhiều địa phương. Hiện nay, đã có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số lượng Bệnh viện phục hồi chức năng. Tình trạng thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành khác quản lý. Ngoài ra nhân lực chuyên khoa phục hồi chức năng vừa yếu vừa thiếu ở các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng.

Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám, chữa bệnh- Ảnh 1.

TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, việc phát triển chuyên môn, kỹ thuật phục hồi chức năng chưa đồng bộ giữa trung ương và địa phương, chưa toàn diện và chưa có sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa, chuyên ngành và các Bộ, ngành. Mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng chưa được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương. Không những vậy, các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình. Hơn nữa các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu và hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn hạn chế. Kinh phí thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa bố trí hoặc nếu có thì rất ít địa phương bố trí kinh phí, nhất là công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Từng bước khắc phục khó khăn

Trên thế giới, phục hồi chức năng rất phát triển, đặc biệt ở các nước như Mỹ, Úc, Phần Lan. Các nước trong khu vực như: Nhật, Thái Lan, Singapore rất phát triển cả về tổ chức hệ thống mạng lưới, nhân lực, dịch vụ, chi trả chi phí phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp người khuyết tật, phục hồi chức năng phát triển cả ở bệnh viện và cộng đồng, người khuyết tật được phục hồi chức năng tại nhà, được cung cấp dụng cụ trợ giúp như nẹp, nạng, gậy tập đi, gậy trắng chỉ đường cho người khiếm thị và được chi trả BHYT hoặc ngân sách Nhà nước.

Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám, chữa bệnh- Ảnh 2.

Người bệnh tiến hành phục hồi chức năng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tại Việt Nam, sau khi Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 triển khai được 1,5 năm đã có những kết quả tích cực. Có đến 55/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình với các mục tiêu, chỉ tiêu và hoạt động cụ thể. Với một số địa phương còn lại cũng đang xây dựng và trong quá trình trình ban hành. Bộ Y tế cùng với các Bộ, ngành: Lao động, Thương binh, xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp và xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình. 

Sau khi Chương trình ban hành, đã có 5 địa phương thành lập Bệnh viện phục hồi chức năng, trong đó: Bệnh viện Phục hồi chức năng Trà Vinh đã được thành lập với quy mô 300 giường bệnh; 4 bệnh viện phục hồi chức năng được thêm chức năng vào bệnh viện Y học cổ truyền ở các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, An Giang, Cà Mau; các khoa phục hồi chức năng ở bệnh viện tuyến tỉnh, khoa phục hồi chức năng độc lập ở tuyến huyện cũng đã được thành lập.

Ngoài ra, số lượng tuyển sinh sinh viên đại học kỹ thuật phục hồi chức năng tăng đột biến về số lượng và điểm chuẩn vào đại học, điển hình như trường Đại học Y Hà Nội với 75 học viên/70 chỉ tiêu, Đại học Y tế công cộng, Đại học Fenika.

Hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên môn của ngành phục hồi chức năng đã được ban hành. Rất nhiều địa phương đã bố trí kinh phí cho hoạt động Chương trình như: Bến Tre, An Giang, Bắc Ninh…

Để đạt được nội dụng của Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là "duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bình, người có công với cách mạng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng", theo TS. Vương Ánh Dương cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp mà Chương trình đã nêu. Ngoài ra cần phối hợp chỉ đạo quyết liệt và quan tâm đầu tư của các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết và hoạt động phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Xem thêm video được quan tâm:

Tại sao cần phục hồi chức năng trước phẫu thuật_ SKĐS


KD
Ý kiến của bạn