Phát triển Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới Việt - Lào

01-08-2024 17:15 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô (tỉnh Khăm Muồn, Lào) có vị trí liền kề nhau tại trung tâm dãy Trường Sơn, cùng nằm trong khối đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.

Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 123.300ha. Khu vực này chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Nơi đây, có hơn 1.000 hang động, hệ động thực vật phong phú, đa dạng với 2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm.

Phát triển Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới Việt - Lào- Ảnh 1.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Đặc điểm về vị trí địa lý tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một địa điểm quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài sinh vật. Đặc biệt nơi đây có mặt của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam (trong đó có 28 loài lan), có 2 loài mới Bách xanh núi đá đặc hữu chỉ thấy ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Có 41 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn, trong đó có 30 loài đặc hữu cho Việt Nam. Đặc biệt có tới 23 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Phía bên kia biên giới, Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô (tỉnh Khăm Muồn, Lào) có tổng diện tích hơn 82.000ha là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm và cũng sở hữu nhiều hệ thống hang động đá vôi tuyệt đẹp.

Phát triển Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới Việt - Lào- Ảnh 2.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hơn 1.000 hang động, hệ động thực vật phong phú, đa dạng với 2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm.

Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô đang hoàn thiện hồ sơ đề cử thành Di sản thiên nhiên thế giới lên UNESCO thông qua việc trở thành khu vực mở rộng xuyên biên giới của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Việc hợp tác, liên kết giữa 2 Vườn Quốc gia thành di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới sẽ làm tăng diện tích, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào, nâng cao công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác di sản xuyên biên giới…

Từ phần mở rộng của khu vực xuyên biên giới sẽ bổ sung diện tích cho Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng từ đó nâng cao sự đa dạng sinh học, văn hóa. Đây sẽ là Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới đầu tiên ở Đông Nam Á và có thể tạo thành khu bảo tồn núi đá vôi lớn nhất thế giới.

Phát triển Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới Việt - Lào- Ảnh 3.

Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô (tỉnh Khăm Muồn, Lào) có tổng diện tích hơn 82.000ha.

Ông Lê Thúc Định, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, hàng năm tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muồn tổ chức các chương trình hội đàm và ký kết tuyên bố chung về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới.

"Từ khi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, hoạt động hợp tác liên biên giới với VQG Hin Nậm Nô ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan liên biên giới giữa 2 khu vực", ông Lê Thúc Định thông tin.

Được biết, việc hợp tác liên biên giới giữa 2 VQG của 2 nước về việc bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học thời gian qua mang lại những tín hiệu tích cực. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về việc tổ chức triển khai và đánh giá kết quả của chương trình bảo tồn đa dạng sinh học tiến tới việc phát triển và thực hiện cơ chế bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp và hiệu quả giữa hai Vườn.

Phát triển Di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới Việt - Lào- Ảnh 4.

Cùng với công tác bảo tồn, các bên sẽ phối hợp để khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch thiên nhiên bền vững.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng chương trình phối hợp trong công tác nghiên cứu đa dạng sinh học các loài mới phát hiện, loài đặc hữu, loài động thực vật quý hiếm bị cấm. Kiểm soát, phòng chống các hoạt động khai thác, vận chuyển, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn của mỗi bên. Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng người dân tại khu vực biên giới giữa hai tỉnh. Các bên phối hợp để khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch thiên nhiên bền vững…

Phát huy giá trị văn hóa Huế trên nền tảng di sản để phát triển bền vữngPhát huy giá trị văn hóa Huế trên nền tảng di sản để phát triển bền vững

SKĐS - Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn