Phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững gắn với du lịch

12-09-2023 19:27 | Y học cổ truyền

SKĐS - Phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững gắn với du lịch được tỉnh Sơn La xác định là lợi thế, tiềm năng, góp phần gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Sơn La có điều kiện khí hậu phù hợp phát triển nhiều loại cây dược liệu, cây nông nghiệp trong đó nhiều cây thuốc có trữ lượng lớn trong tự nhiên, gồm: Bình vôi, cốt khí, cẩu tích, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, táo mèo, thảo quyết minh, thổ phục linh... 

Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao. Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh đang còn bỏ ngỏ của tỉnh. Tại nhiều xã, bản vùng cao của tỉnh Sơn La, người dân đang chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dược liệu; trồng dược liệu dưới tán rừng, như: Sa nhân, thảo quả, xạ đen, cà gai leo, sả, nghệ, atiso, đương quy...

Phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững gắn với du lịch - Ảnh 1.

Dược liệu thảo quả ở Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La

Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn dành riêng chương trình phát triển cây dược liệu và nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sơn La đã dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh đã triển khai điều tra về tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở địa bàn, lựa chọn các loài cây thuốc có tiềm năng khai thác có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường để điều tra trữ lượng và xây dựng Qui trình đầu tư phát triển, khai thác bền vững. Xây dựng các vùng khai thác bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quí có nguy cơ bị tuyệt chủng và có giá trị kinh tế. Xây dựng một số mô hình phát triển theo chuỗi giá trị một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.

Cùng đó, Sơn La cũng có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật; quy hoạch vùng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu; đất đai; tín dụng... điều mà tỉnh Sơn La đã làm rất tốt trong phát triển cây ăn quả.

Tại các huyện, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, chính quyền cơ sở cũng đã chú trọng thông qua, mở rộng các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được quan tâm đầu tư nhân rộng tại một số xã.

Nhờ áp dụng tổng thể các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao. Tuy nhiên, điểm khó, đó là các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn hiện vẫn còn nhỏ lẻ. Diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn.

Phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững gắn với du lịch - Ảnh 2.

Sản phẩm dược liệu sa nhân tím khô và thảo quả khô.

Để phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu và tiến tới đưa Sơn La trở thành vùng trọng điểm dược liệu, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để xử lý và chế biến nguyên liệu thô thành sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, các chuyên gia cho rằng Sơn La cần tiếp tục tạo những cơ chế chính sách trong việc phát triển trồng dược liệu tại các địa phương; thực hiện tốt vấn đề liên kết 4 nhà trong sản xuất; thực hiện quy hoạch gắn với thế mạnh của từng tiểu vùng khí hậu để trồng những loại cây dược liệu phù hợp và trở thành sản phẩm tốt cho du lịch, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trong dự án "Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của UBND tỉnh Sơn La, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 34.500 ha dược liệu, sản lượng 285.000 tấn; có 24 cơ sở bảo quản hoặc sơ chế dược liệu, 16 cơ sở hoặc nhà máy chế biến hoặc chiết xuất dược liệu.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 50.000 ha cây dược liệu, sản lượng 500.000 tấn; có 30 cơ sở bảo quản, hoặc sơ chế dược liệu, 33 cơ sở nhà máy chế biến hoặc chiết xuất dược liệu trên địa bàn các huyện thành phố. Theo đó, duy trì ổn định 90.400 ha khai thác cây dược liệu dưới tán rừng; bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán; tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, tổng kinh phí thực hiện 1.800 tỷ đồng (vốn ngân sách 250 tỷ đồng; còn lại là vốn doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Đầu tư, hỗ trợ phát triển dược liệu quý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo "chuỗi giá trị"Đầu tư, hỗ trợ phát triển dược liệu quý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo 'chuỗi giá trị'

SKĐS - Nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn