Hà Nội

Phát triển cây dược liệu từng là sản phẩm tiến vua ở Thanh Hoá

25-10-2023 06:41 | Y học cổ truyền

Cây Quế ngọc (Cinamomum cassia) thuộc họ Long não, cây cao 20 mét, vỏ lá có mùi thơm. Loài cây này là một trong 4 loại dược liệu quý hiếm trong Đông y (Sâm, Nhung, Quế, Phục), vỏ và quả quế có thể làm thuốc, lá và vỏ khô có thể làm tinh dầu, gia vị, còn gỗ cây dùng trong xây dựng

Quế Ngọc từng là sản phẩm tiến vua triều Nguyễn

Cây Quế Ngọc Thanh Hoá là loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao, nhất là giá trị về dược liệu phòng và chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Quế và các bộ phận khác của cây quế đều có thể chưng cất được tinh dầu, thân cây thớ gỗ mịn, đẹp, có tinh dầu thơm dùng để làm nhà hoặc đóng đồ mộc gia dụng, hàng xuất khẩu. 

Thường Xuân là một trong bốn vùng sản xuất quế truyền thống ở Việt Nam. Theo đánh giá, giống quế Trịnh Vạn xưa (ở khu vực "5 Xuân" của huyện) có hàm lượng tinh dầu cũng như giá trị y học cao hơn hẳn quế ở vùng khác. Các tài liệu lịch sử cũng ghi nhận, quế ngọc Thường Xuân là cống phẩm nạp về kinh thành hàng năm, từng vinh dự được vua Minh Mạng khắc trong bộ Cửu Đỉnh ở cung đình Huế.

Phát triển cây dược liệu từng là sản phẩm tiến vua ở Thanh Hoá - Ảnh 1.

Quế Ngọc từng là sản phẩm tiến vua triều Nguyễn (Ảnh minh hoạ)

Vì lẽ đó, từ xa xưa cây quế luôn được người dân bản địa xem như báu vật không thể tách rời. Những năm 80 của thế kỷ trước, người người trồng quế, nhà nhà trồng quế, cả huyện Thường Xuân có cả ngàn ha quế. Sau đó, vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều hộ chỉ tận dụng khai thác mà không chú trọng việc trồng mới, khiến cho diện tích quế bị hao hụt.

Để khắc phục tình trạng trên, giai đoạn 1991 - 1995 UBND huyện Thường Xuân đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng lại được 250ha, sau đó nhân rộng lên 700ha vào năm 2000. Thế nhưng khi giá quế giảm, bà con lại chuyển sang trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày…

Để bảo tồn và phát và phát triển cây quế, huyện miền núi Thường Xuân đã triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Ngọc giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025". Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt theo Quyết định 343/QĐ-UBND ngày 30/1/2015. Đây là đề án hết sức có ý nghĩa đối với huyện miền núi Thường Xuân, không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, sinh kế đối với đồng bào các dân tộc của huyện.

Sẽ mở rộng vùng trồng dược liệu Quế ngọc

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến tinh dầu Quế ngọc gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (2019 - 2023)".Đây là dự án thuộc chương trình xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 - 2025 tại địa phương.

Ông Lê Văn Triệu, Chủ nhiệm dự án cho biết: Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tuyển chọn các giống cây có sản lượng vỏ, hạt cao phục vụ nhu cầu cung cấp giống; chuyển giao, triển khai hiệu quả 5 quy trình khoa học công nghệ, gồm: quy trình nhân giống và trồng thâm canh cây quế, quy trình chăm sóc rừng trồng cây quế, quy trình bảo quản sơ chế cành lá, quy trình chưng cất tinh dầu từ cành và lá quế.

Để nhân rộng trồng cây quế, kiểm lâm viên đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Quế ngọc với mật độ cao từ 4.444 - 15.625 cây/ha, trên 7 ha tại 90 hộ gia đình của xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân; đồng thời triển khai nhiều mô hình trồng, chăm sóc cây quế khác.

Tới nay, dự án đã trồng được 90 ha thâm canh cây Quế ngọc, xây dựng được mô hình trồng quế xen cây nông nghiệp với diện tích 10 ha và được người dân áp dụng thực hiện tại vườn nhà. Dự án hoàn thành mô hình chưng cất tinh dầu Quế đạt tiêu chuẩn TCVN 6029:2008, mô hình này được thực hiện tại nhà 5 hộ gia đình tại các xã Yên Nhân, Xuân Cẩm, Vạn Xuân, huyện Thường Xuân với quy mô 5 nồi có công suất 40 kg/ngày; từ đó, hình thành sản phẩm 250 lít tinh dầu.

Hiện, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã xây dựng được vườn ươm giống với 600 m2 nhà ươm dàn che di động; 2.000 m2 dàn che cố định cùng hệ thống tưới bán tự động, với mục tiêu cung cấp 400.000 cây giống/năm.

Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến sản xuất 500.000 cây giống Quế chất lượng để cung cấp cho người dân mở rộng diện tích trồng Quế và thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây Quế, đồng thời tập huấn cho người dân về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăn sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm các mô hình của dự án.

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cây Quế ngọc (Cinamomum cassia) thuộc họ Long não, cây cao 20 mét, vỏ lá có mùi thơm. Loài cây này là một trong 4 loại dược liệu quý hiếm trong Đông y (Sâm, Nhung, Quế, Phục), vỏ và quả quế có thể làm thuốc, lá và vỏ khô có thể làm tinh dầu, gia vị, còn gỗ cây dùng trong xây dựng. Đặc biệt, tinh dầu Quế có các tác dụng chữa cảm lạnh và trị ho; kích thích, hỗ trợ tiêu hóa; giảm đau nhức cơ thể, xương khớp; thư giản và giảm đau đầu...

Tại Việt Nam, cây Quế ngọc được trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái, Quảng Bình. Tại Thanh Hóa, cây Quế được trồng tại huyện miền núi Thường Xuân. Hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu tuyển chọn 1.000 cây trội Quế ngọc; đến năm 2025, nâng tổng diện tích Quế ngọc lên 6.500 ha, hình thành các cơ sở sản xuất chế biến tinh dầu Quế ngọc. Từ đó, tạo việc làm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, hình thành mối liên hệ, liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền.
PV
Ý kiến của bạn