Phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng, lợi ích nhân đôi

10-09-2023 05:27 | Xã hội

SKĐS - Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang khai thác hiệu quả diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế rừng, trong đó có việc trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân...

Vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển nuôi trồng dược liệu

Thức tế cho thấy việc khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng, lợi ích nhân lên - Ảnh 1.

Trồng cây dược liệu thảo quả dưới tán rừng tại xã Tênh Phông Ảnh: CTV

Trước đây, cây thảo quả được người dân ở xã Thanh Phong, huyện Tuần Giáo trồng tự phát dưới tán rừng, nhưng chỉ để sử dụng hàng ngày như một thứ gia vị. Trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây, diện tích trồng thảo quả trên địa bàn xã Thanh Phong không ngừng được mở rộng. Cây thảo quả có giá bán ổn định từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg quả khô, sau mỗi vụ thu hoạch thảo quả, mỗi gia đình ở Thanh Phong thu về hàng chục triệu đồng.

Còn tại huyện biên giới Nậm Pồ, hiện nay, địa phương này đang có 64.000ha đất rừng. Năm 2015, huyện Nậm Pồ đã triển khai trồng thử nghiệm 2ha cây sa nhân xanh dưới tán rừng tại xã Nậm Khăn, với 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm. Do khí hậu, thổ nhưỡng ở Nậm Khăn rất phù hợp với giống sa nhân xanh, nên cây phát triển và sinh trưởng tốt. Đến nay, kinh tế các hộ tham gia mô hình đã từng bước được cải thiện, nên đã thu hút nhiều gia đình khác ở địa phương tham gia.

Sa nhân xanh là cây dược liệu dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để mở rộng diện tích, trồng 2 đến 3 năm, cây sẽ bói quả và cho thu hoạch liên tục từ 10 - 12 năm. Với mỗi ha trồng sa nhân xanh, năng suất có thể đạt từ 100 - 150kg quả khô/năm, giá bán ngoài thị trường dao động từ 100 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg quả khô. Như vậy, mỗi ha rừng trồng sa nhân xanh sẽ cho thu nhập đến 80 triệu đồng.

Người dân thoát nghèo, dược liệu quý được bảo tồn

Ngoài thảo quả và sa nhân, một số cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như: Cây sâm vũ diệp, hoàng linh hoa trắng, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu cũng được đưa vào thử nghiệm trồng dưới tán rừng gỗ lớn tại các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa và Tuần Giáo. Riêng cây sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu chủ yếu trồng tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, thu hút nhiều hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn tham gia, với số tiền đầu tư con giống lên đến 10 tỷ đồng. Huyện Tuần Giáo kỳ vọng, đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn ở xã Tênh Phông sẽ lên đến 200ha, riêng diện tích trồng cây sâm phấn đấu đạt 40ha.

Thực tế cho thấy việc trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân, khu vực vùng cao của tỉnh Điện Biên, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc này vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa trồng cây dược liệu đã mở hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế rừng, có nhiều hộ mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng không còn là trường hợp hiếm gặp.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền. Để phát huy hiệu quả "kép" trong phát triển cây dược liệu, các ngành liên quan của tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu.

Tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường.

Đồng thời, chú trọng mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, để thúc đẩy sản xuất dược liệu hàng hóa; khuyến khích hình thức liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân thông qua cầu nối là các hợp tác xã.

Làm gì để đưa dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía Bắc?Làm gì để đưa dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía Bắc?

SKĐS - Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn