Phát triển cây dược liệu – hướng thoát nghèo cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi

04-09-2023 05:29 | Xã hội

SKĐS - Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.

Tiềm năng to lớn 

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, nước ta có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với 5.117 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…

Hàng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở Việt Nam ước tính 100 nghìn tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.

Phát triển cây dược liệu – hướng thoát nghèo cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các vùng trồng dược liệu quý (Ảnh minh hoạ )

Trong đó, sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.

Tận dụng lợi thế để phát triển

Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích.

Phát triển cây dược liệu – hướng thoát nghèo cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Mô hình trồng sâm của người dân bản Sín Chải, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Ảnh: TNMT)

Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Đáng chú ý, việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.

Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.

Hiện nay, với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khí hậu, Tây Bắc là vùng có lợi thế phù hợp phát triển các vùng trồng dược liệu. Hiện có khoảng 1.500 cây dược liệu quý. Tây Bắc đã hình thành những vùng trồng dược liệu quy mô lớn, mang lại cuộc sống đổi thay cho bà con nông dân.

Cụ thể,  hiện nay tỉnh Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.

Tại Bắc Hà Lào Cai, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100ha. Cây cát cánh mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô trước đây. Vì vậy, bà con đã hưởng ứng trồng loại cây này.

PV
Ý kiến của bạn