Bắc Kạn là địa phương thuộc vùng Đông Bắc có khí hậu mát mẻ và được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật, đặc biệt là sự đa dạng các loài dược liệu. Bắc Kạn hiện sở hữu nhiều khu rừng tự nhiên nguyên sinh với nhiều cây thuốc quý. Vì cây thuốc sinh trưởng tự nhiên nên có dược tính dồi dào, khả năng điều trị tốt hơn dược liệu nuôi trồng và đảm bảo tính an toàn khi không lẫn hóa chất
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn như Tày, Nùng, Dao, Thái… bao đời nay vẫn giữ được tập tục, văn hóa cốt lõi của mình, trong đó có những bài thuốc bí truyền từ các ông lang, bà mế, có giá trị chữa bệnh và nâng cao sức khỏe hiệu quả.
Ở một số bản làng ở Bắc Kạn, có nhiều lương y vẫn giữ được cho mình ít nhất là 1 bài thuốc và cách sử dụng các loại cây thuốc giúp mát gan, thanh nhiệt hay hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường khác như các bệnh ngoài da, gan, xương khớp, dạ dày… Các bài thuốc bản địa được gia giảm theo kinh nghiệm của các thầy thuốc, thường được truyền từ đời này sang đời khác và có giá trị cho đến ngày nay.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 1.000 loài cây thuốc, trong đó có 20 loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì và Chợ Mới.
Các loài dược liệu có thế mạnh ở tỉnh Bắc Kạn như: Ba kích, hà thủ ô, bình vôi, bảy lá một hoa, cát sâm… đã được quan tâm bảo tồn, phát triển.
Để phát triển tài nguyên cây thuốc, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành, triển khai nhiều chính sách riêng và chương trình, đề tài, dự án về phát triển cây dược liệu, đã tạo cơ sở bước đầu và bài học kinh nghiệm cần thiết để xây dựng vùng dược liệu, tiến tới phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại các địa phương, chính quyền cơ sở cũng đã chú trọng mở rộng diện tích một số loại dược liệu quý. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển các loại lâm sản, trong đó có cây dược liệu.
Đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia vào công tác phát triển dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn.
Các mô hình trồng cây dược liệu điển hình như: HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) đầu tư trồng cây sả chanh trên diện tích 4ha; thu mua và chưng cất tinh dầu sả bán ra thị trường. Sản phẩm của HTX đã được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia.
HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (Na Rì) đầu tư vùng nguyên liệu để trồng các cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen, cát sâm, giảo cổ lam... được tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Có nhiều đơn vị sản xuất, chế biến cây nghệ theo chuỗi, sản phẩm từ tinh bột nghệ, curcumin nghệ… đều tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cao cho cả chuỗi tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ.
Ngoài ra, một số HTX sản xuất, chế biến trà hoa vàng, trà mướp đắng rừng, trà giảo cổ lam, trà nấm kim chi...
HTX Hòa Thịnh ở thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn đã vận động bà con trồng trà hoa vàng xen dưới tán rừng, mục đích phát triển vùng nguyên liệu, hình thành sản phẩm đặc trưng địa phương. Năm 2020, trà hoa vàng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội tiêu thụ, liên kết và phát triển.
Thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu quy hoạch vùng sản xuất, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, bảo tồn nguồn giống, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xem thêm video đang được quan tâm
Những ai không nên ăn đồ cay?